Công bố Thể lệ bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022

Báo Nông thôn ngày nay/Báo điện tử Dân Việt Thứ năm, ngày 28/04/2022 16:38 PM (GMT+7)
Thể lệ bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022 vừa được Ban Tổ chức Chương trình bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" ban hành. Báo điện tử Dân Việt xin giới thiệu đến bạn đọc toàn văn thể lệ.
Bình luận 0

Chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2022), tiếp nối thành công chương trình Tự hào nông dân Việt Nam được tổ chức thường niên từ năm 2013, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo tổ chức chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2022.

Để đảm bảo Chương trình bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022 diễn ra đúng kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ban Tổ chức Chương trình bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022 đề nghị Hội Nông dân các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề cử "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022.

Thời hạn nhận Mẫu đề cử/tự ứng cử và Danh sách đề cử là trước 17h ngày 15 tháng 4 năm 2022; thời hạn nhận Hồ sơ cá nhân nông dân được đề cử/tự ứng cử là trước 17h ngày 01 tháng 5 năm 2022 theo địa chỉ: Tòa soạn Báo Nông thôn Ngày nay, Lô E2 đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Điện thoại: 024 37282661, email: btc.thndvn@gmail.com. Mọi chi tiết xin liên hệ đồng chí Lê Tuấn Anh, ĐT: 090.403.5533.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc Thể lệ bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022  - Ảnh 1.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2021 tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021" được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối ngày 2/12/2021. Ảnh: Viết Niệm

Dưới đây là toàn văn Thể lệ bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022 đã được Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam ký ban hành. Đồng chí Phạm Tiến Nam là Trưởng ban Tổ chức Chương trinh bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022.


THỂ LỆ BÌNH CHỌN DANH HIỆU "NÔNG DÂN VIỆT NAM XUẤT SẮC" NĂM 2022

Căn cứ kết luận của Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại cuộc họp ngày 12 tháng 7 năm 2013 về việc giao cho Báo Nông thôn Ngày nay chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình Bình chọn và trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc hàng năm từ năm 2013;

Căn cứ Kế hoạch số 3794-KH/HNDTW, ngày 18/3/2022 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc tổ chức Chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam" năm 2022,

Ban Tổ chức Chương trình ban hành Thể lệ Bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022.

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN THAM GIA BÌNH CHỌN

Đối tượng tham gia xét chọn Danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022":

- Là nông dân Việt Nam không phân biệt lứa tuổi, thành phần, tôn giáo, dân tộc, trình độ học vấn.

- Không nằm trong Danh sách đạt danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 và năm 2021"[1].

- Không là công chức, viên chức hoặc cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

- Đáp ứng ít nhất 01 trong các nhóm đối tượng sau:

Nhóm 1: Nông dân đạt thành tích sản xuất, kinh doanh một trong các nhóm sản phẩm sau:

1. Cây lương thực: Lúa, ngô, khoai, sắn, đậu...

2. Cây ăn quả: Cam, quýt, nhãn, bưởi...

3. Cây công nghiệp: Mía, chè, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều; lâm sản (lâm sản và lâm sản ngoài gỗ: mật ong rừng, nấm, thảo quả, sâm...)

4. Nuôi trồng thủy hải sản: Tôm, cá...

5. Chăn nuôi: Gia súc, gia cầm.

Nhóm 2: Nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào Xây dựng nông thôn mới (xét ít nhất 1 trong 19 tiêu chí của NTM).

Nhóm 3: Có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nhóm 4: Có sáng kiến, phát minh mang tính khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Nhóm 5: Chủ nhiệm các hợp tác xã có thành tích đặc biệt nổi bật; Các hộ kinh doanh tư nhân nhỏ và vừa…

II. SỐ LƯỢNG BÌNH CHỌN VÀ TRAO DANH HIỆU:

- 100 nông dân tiêu biểu trên cả nước.

III. TIÊU CHÍ BÌNH CHỌN

1. Tiêu chí chung

- Đạt hộ gia đình văn hóa do các cấp chính quyền trao tặng liên tục trong 3 năm trở lại đây.

- Năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường; dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai… Mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá; đi đầu trong việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và tích cực vận động mọi người cùng thực hiện.

- Tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; giúp đỡ những hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn ở địa phương vượt qua nghèo khó vươn lên.

2. Tiêu chí cụ thể đối với từng nhóm đối tượng xét chọn

Nhóm 1: Nông dân đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

- Nông dân đạt thành tích xuất sắc một (01) trong năm (05) nhóm sản phẩm đã được liệt kê trong mục 1 phần III (1. Cây lương thực; 2. Cây ăn quả; 3. Cây công nghiệp; 4. Chăn nuôi gia súc, gia cầm; 5. Nuôi trồng thủy hải sản).

- Đã đạt Danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp trung ương trong vòng 5 năm trở lại đây và hiện vẫn đáp ứng đầy đủ tiêu chí của Danh hiệu này (Phô tô bằng chứng nhận kèm theo).

Xét ưu tiên các trường hợp sau:

- Ưu tiên nông dân có thành tích xuất sắc trong sản xuất trực tiếp.

- Ưu tiên đề cử/giới thiệu nông dân tiêu biểu với các sản phẩm chủ lực/thế mạnh của từng tỉnh/vùng miền (ví dụ: đồng bằng sông Cửu Long: lúa gạo, nuôi trồng thủy, hải sản, hạt điều.v.v..).

Nhóm 2: Nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới (xét ít nhất 1 trong 19 tiêu chí của NTM).

Đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp biểu dương và trao tặng Danh hiệu trong vòng 5 năm trở lại đây (Kèm theo bản phô tô Bằng khen, Giấy chứng nhận danh hiệu...).

Nhóm 3: Có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp biểu dương và trao tặng Danh hiệu trong vòng 5 năm trở lại đây (Kèm theo bản phô tô Bằng khen, Giấy chứng nhận danh hiệu...).

Nhóm 4: Có sáng kiến, phát minh mang tính khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

- Phát minh đã được cơ quan quản lý hoặc/và cơ quan chuyên môn chứng nhận (Kèm theo Bản chứng nhận sáng kiến, phát minh).

- Phát minh chưa được cơ quan quản lý hoặc/và cơ quan chuyên môn chứng nhận nhưng đáp ứng các điều kiện sau:

+ Hiệu quả kinh tế - xã hội: Các phát minh sáng chế mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao và không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội, an ninh quốc phòng

+ Khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Nhóm 5: Chủ nhiệm các hợp tác xã có thành tích đặc biệt nổi bật; Các hộ kinh doanh tư nhân nhỏ và vừa…

- Các hợp tác xã có thành tích đặc biệt nổi bật đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp biểu dương và trao tặng Danh hiệu trong vòng 5 năm trở lại đây (Kèm theo bản phô tô Bằng khen, Giấy chứng nhận danh hiệu...).

- Các hộ kinh doanh tư nhân nhỏ và vừa có tinh thần khởi nghiệp táo bạo, ứng dụng chuyển đổi số đạt hiệu quả cao trong kinh doanh, sản xuất, phát triển bền vững, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội, an ninh quốc phòng; Có khả năng phát triển thành chuỗi, ứng dụng mô hình nhượng quyền thương hiệu mở rộng theo điều kiện thực tế tại các địa phương.

IV. DANH HIỆU VÀ PHẦN THƯỞNG CỦA CÁC CÁ NHÂN ĐƯỢC TRAO TẶNG

- Bằng khen của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Chứng nhận của Danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022" do Ban Tổ chức cấp.

- Cá nhân Nông dân đạt Danh hiệu sẽ được nhận một phần tiền thưởng bằng tiền mặt của Ban Tổ chức.

V. CÁCH THỨC TIẾN HÀNH ĐỀ CỬ/GIỚI THIỆU

1. Đối tượng/kênh tham gia đề cử/ giới thiệu, bao gồm:

- Hội Nông dân các tỉnh/thành phố/huyện/xã;

- Hội đồng các nhà khoa học giới thiệu;

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân (nhà nghiên cứu, nhà khoa học) liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn – nông dân;

- Các cơ quan báo chí (phóng viên, nhà báo);

- Nhóm nhà báo Nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

- Tự ứng cử (Cá nhân nông dân tự tham gia ứng cử xét chọn Danh hiệu).

2. Cách thức tiến hành hoạt động giới thiệu/đề cử

- Căn cứ thông tin trong Thể lệ Bình chọn Danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" và các mẫu đề cử/giới thiệu/tự ứng cử, hồ sơ cá nhân được đề cử, được Ban tổ chức chính thức ban hành và đăng tải qua các kênh:

+ Gửi văn bản Thể lệ bình chọn, mẫu giới thiệu/tự ứng cử, Hồ sơ cá nhân được đề cử tới Hội Nông dân các tỉnh/ thành phố, các phóng viên, nhà báo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.v.v...

+ Đăng tải các văn bản trên tại website của Trung ương Hội Nông dân, Hội Nông dân 63 tỉnh/thành phố, website của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Báo Nông thôn Ngày nay, Báo điện tử Dân Việt, Báo Công Thương, các Viện nghiên cứu chính sách và phát triển Nông nghiệp và website của các đơn vị có liên quan.

- Các cơ quan/tổ chức cá nhân tiến hành đề cử/giới thiệu hoặc cá nhân tự ứng cử thực hiện đầy đủ các thông tin về bản thân cá nhân/tổ chức trong mẫu đề cử/giới thiệu/tự ứng cử và Hồ sơ (thông tin và các tư liệu: hình ảnh, văn bản.. xác nhận các thành tích của cá nhân nông dân được đề cử).

- Mỗi cơ quan/tổ chức, cá nhân đề cử từ ba (03) đến bốn (04) nông dân.

- Nộp Hồ sơ và Danh sách đề cử qua đường công văn (nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện) – là hình thức bắt buộc tại địa chỉ: Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay, Lô E2 đường Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Ngoài ra có thể gửi thêm qua thư điện tử của Ban Tổ chức chương trình (địa chỉ e-mail: btc.thndvn@gmail.com).

- Thời hạn nhận Mẫu đề cử/tự ứng cử và Danh sách đề cử là trước 17h ngày 15 tháng 4 năm 2022.

- Thời hạn nhận Hồ sơ cá nhân nông dân được đề cử/tự ứng cử là trước 17h ngày 01 tháng 5 năm 2022.

* Ghi chú: Các cá nhân, tổ chức tham gia đề cử/giới thiệu chịu trách nhiệm về hoạt động đề cử/giới thiệu của mình và Hồ sơ cá nhân được đề cử theo đúng yêu cầu của Ban Tổ chức. Các cá nhận tự ứng cử cung cấp đầy đủ thông tin (theo yêu cầu trong Hồ sơ) và thông tin các nguồn liên quan đến cấp chứng nhận, giải thưởng để Ban Tổ chức thực hiện hoạt động thẩm định.

VI. CÁCH THỨC TIẾN HÀNH BÌNH CHỌN

1. Quy chế bình chọn

- Vòng sơ loại: Ban Tổ chức sơ bộ tổng hợp Danh sách đề cử và Hồ sơ thành tích cá nhân của Nông dân được đề cử từ các tổ chức, cá nhân (ghi rõ trong mục 5.1 của Thể lệ này): phân loại thông tin theo các tiêu chí bình chọn đã được Ban tổ chức và Hội đồng bình chọn phê duyệt;

- Tổ chức các cuộc thực địa để tiến hành thẩm định các thông tin trong hồ sơ của các cá nhân được đề cử (Đoàn thẩm định và phóng viên, báo chí) tiếp cận trực tiếp tại hộ gia đình. Tiến hành thẩm định tại thực địa. Không giới hạn số lượng thẩm định hồ sơ cá nhân nông dân được đề cử, tuy nhiên, số lượng được thẩm định không thấp hơn 1/3 tổng số được trao Danh hiệu.

- Vòng chung khảo: Các thành viên Hội đồng bình chọn tiến hành bình chọn công khai theo các tiêu chí đã được phê duyệt và chốt danh sách 100 Nông dân đạt danh hiệu Nông dân xuất sắc của năm 2022.

- Kết quả bình chọn do Ban Tổ chức công bố trong Họp báo là kết quả cuối cùng để được nhận Danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

2. Cách thức tiến hành Bình chọn Danh hiệu

- Vòng Sơ khảo:

+ Ban thư ký tổng hợp danh sách, hồ sơ thành tích, minh họa thành tích của tổng số cá nhân được đề cử và tự ứng cử gửi cho từng thành viên của Hội đồng bình chọn;

+ Đại diện Ban Tổ chức và Hội đồng bình chọn thống nhất các tiêu chí cơ bản để tổng hợp và phân loại thông tin nhằm thuận lợi cho hoạt động bình chọn; đồng thời thống nhất tiêu chí đánh giá thẩm định;

+ Đại diện Ban Tổ chức và Hội đồng bình chọn tiến hành chọn ngẫu nhiên khoảng 30 hồ sơ trong Danh sách hồ sơ được đề cử tiến hành thẩm định tại địa phương và hộ gia đình.

- Vòng Chung khảo:

+ Ban thư ký tổng hợp Danh sách và Hồ sơ thành tích cá nhân được bình chọn theo các chỉ tiêu đã được Ban Tổ chức và Hội đồng bình chọn thống nhất; tổng hợp báo cáo hoạt động thẩm định; gửi bản in (trực tiếp hoặc qua đường công văn) hoặc/và bản điện tử (qua email) đến từng thành viên của Hội đồng bình chọn

+ Các thành viên Hội đồng bình chọn  làm việc độc lập (nghiên cứu, đánh giá) và cho điểm từng hồ sơ được đề cử. Thời gian làm việc độc lập của các thành viên cho hạng mục công việc này được giới hạn trong vòng 7 ngày làm việc.

+ Sau thời gian làm việc độc lập, Ban Tổ chức, Hội đồng bình chọn và Ban thư ký tiến hành Họp chung khảo, bỏ phiếu kín, kiểm phiếu và chốt danh sách 100 nông dân đại diện cho 63 tỉnh/thành phố.

VII. THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG BÌNH CHỌN

Hội đồng bình chọn bao gồm các thành viên:

- Đại diện Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch hội đồng

- Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay, Ủy viên thường trực

- Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên

- Đại diện Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên

- Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên

- Đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên

- Đại diện Bộ Công Thương, Ủy viên

- Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy viên

- Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy viên

- Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên

- Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên

- Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy viên

- Đại diện Nhà nghiên cứu/nhà khoa học, Ủy viên

- Đại diện Nhà Văn hóa xã hội có uy tín, Ủy viên

- Đại diện Nhà đồng tổ chức, Ủy viên

VIII. THÀNH PHẦN BAN THƯ KÝ CHƯƠNG TRÌNH

- Trưởng Phòng Hành chính – Tổ chức Báo NTNN – Trưởng ban

- Phó Trưởng ban Hội và Tam Nông Báo NTNN - Ủy viên

- Phó Giám đốc TT PHQC Báo NTNN - Ủy viên

- Chuyên viên TTPHQC Báo NTNN – Ủy viên

- Chuyên viên Phòng HCTC Báo NTNN - Ủy viên

Chức năng Ban thư ký Chương trình Bình chọn danh hiệu:

- Liên hệ, hướng dẫn, tiếp nhận và tổng hợp Hồ sơ đăng ký và giới thiệu Nông dân Việt Nam tiêu biểu.

- Kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ cho chương trình.

- Tổ chức và hỗ trợ Hội đồng bình chọn trong quá trình tiến hành bình chọn (tổ chức họp, báo cáo kết quả tổng hợp, tổ chức xác minh tại địa phương có sự tham gia của đại diện Hội đồng bình chọn).

IX. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG BÌNH CHỌN

- Ngày 14/3/2022: Khởi động chương trình bình chọn danh hiệu, thông báo Thể lệ bình chọn và gửi Thể lệ đến Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Ngày 01/5/2022: Kết thúc nhận đề cử, hồ sơ nông dân được đề cử.

- Từ ngày 02/5 – 20/5/2022: Tiến hành thẩm định Hồ sơ cá nhân.

- Từ ngày 20/5 – 01/6/2022: Các thành viên Hội đồng bình chọn nghiên cứu hồ sơ độc lập.

- Ngày 07/6/2022: Họp bình chọn Chung khảo.

- Ngày 6/10/2022: Họp báo công bố danh sách 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Nơi nhận:

- Thường trực TW Hội;

- Hội Nông dân các tỉnh, thành phố;

- Các đơn vị tổ chức;

- Lưu VT.

T/M BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

 

 

Phạm Tiến Nam (Đã ký)

 

[1] Sau 3 năm, các trường hợp đã đạt Danh hiệu sẽ được đề cử và xét chọn lại Danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" hoặc/và đề cử cho các Danh hiệu cao quý hơn (nhận bằng khen của Chủ tịch nước/Thủ tướng Chính phủ).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem