Thị trường lao động Long An ít biến động nhờ điều gì?
Thị trường lao động Long An ít biến động nhờ điều gì?
Chinh Hoàng - Thiên Long
Thứ ba, ngày 22/03/2022 16:54 PM (GMT+7)
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Long An, đến nay gần như 100% đơn vị kinh doanh sản xuất của tỉnh này đã hoạt động trở lại. Người lao động không còn tình trạng nhảy việc từ đơn vị này sang đơn vị khác.
Long An là một trong số ít tỉnh miền Tây chịu nhiều tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thời gian vừa qua, chính quyền tỉnh này nhanh chóng thích ứng sớm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở lại sản xuất hoạt động.
Đến nay, gần như 100% đơn vị kinh doanh sản xuất hoạt động trở lại. Người lao động (NLĐ) không còn nhảy việc từ đơn vị này sang đơn vị khác.
Nhiều chính sách chăm lo ổn thỏa cho công nhân
Đại diện Công ty Bê tông Ly Tâm Thủ Đức đóng trên địa bàn huyện Bến Lức cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, công ty gặp nhiều khó khăn nhưng đơn vị vẫn quan tâm chăm lo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho NLĐ.
Thời gian vừa qua, công ty còn xây dựng khu nhà lưu trú miễn phí phục vụ hơn 120 công nhân và người nhà của họ với 3 dãy nhà gồm 38 phòng. Mỗi phòng đều có gác, khu vực bếp, nhà vệ sinh riêng.
Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Bê tông Ly Tâm Thủ Đức, ông Văn Công Luận nói: "Đợt tết vừa rồi hầu hết công nhân, NLĐ đều được tặng quà tết, công nhân ở xa được hỗ trợ vé xe về quê đón tết, đến ngày cơ sở hoạt động họ có mặt 100% bắt tay vào việc".
Trao đổi với Dân Việt, anh Nguyễn Hoàng Sơn (39 tuổi, ngụ huyện Cầu Kè, Trà Vinh) chia sẻ, vợ chồng anh đều làm cho doanh nghiệp gia công giày da ở huyện Bến Lức thu nhập bình quân mỗi tháng 8.000.000 đồng, nếu tăng ca có thể lên 10.000.000 đồng/tháng.
"Vợ chồng tôi lĩnh lương như vậy tương đối ổn định, ngoài chi phí nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt phí... còn dư hơn phân nửa để gửi về quê cho cha mẹ", anh Sơn nói.
Đồng nghiệp cùng quê với anh Sơn, anh Nguyễn Hoài Tâm (38 tuổi) cho hay, nhiều người bạn rủ anh sang doanh nghiệp khác làm lương cao, ưu đãi nhiều hơn. Song, làm việc tại nơi này đã 10 năm, công việc đã ổn định, thu nhập đảm bảo vậy nên anh Tâm nhất quyết gắn bó với công ty.
"Anh em sống chung phân xưởng gần như thân nhau hết rồi và tôi nghĩ ở môi trường nào tốt cho mình thì nên gắn bó", anh Tâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Đại Tánh, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, thị trường lao động tại Long An ít biến động sau tết cho đến đến hiện tại. Tỷ lệ trở lại làm việc cao là nhờ có sự quan tâm của doanh nghiệp đối với NLĐ trong thời gian qua.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong mua bán, sản xuất nhưng vẫn cố gắng trả lương để giữ chân NLĐ.
"Thống kê cho thấy tỷ lệ công nhân nhảy việc sau tết và thời điểm hiện tại giảm so với các năm trước. NLĐ trong các doanh nghiệp, cụm doanh nghiệp trở lại làm việc rất cao, đạt gần 100%", ông Tánh nói.
Thị trường lao động tỉnh Long An cần tuyển 51.000 vị trí
Theo ông Tánh, khảo sát tình hình thị trường lao động tại tỉnh năm 2022, doanh nghiệp trên địa bàn Long An đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 51.000 vị trí việc làm. Trong đó, lao động phổ thông chiếm 71,8%; chế biến, chế tạo chiếm 17,75%; kỹ thuật cơ khí, công nghệ chiếm 7,57%; kinh tế, văn phòng chiếm 7,58%...
Trước đó, trong 2 đầu năm 2022, 210 doanh nghiệp tại một số huyện trọng điểm như: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An đăng ký tuyển dụng gần 5.000 vị trí việc làm.
Các lĩnh vực cần công nhân nhiều nhất là các ngành may mặc, giày da, may balô, túi xách, sản xuất các sản phẩm từ plastic, sản phẩm cơ khí, bao bì... Mức lương khởi điểm trung bình từ 5,8 triệu đồng đến 6,3 triệu đồng/tháng.
Vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi sát tình hình, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo đảm nguồn lực, số lượng NLĐ làm việc trong các khu, cụm doanh nghiệp.
"Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt điều này", ông Tánh cho biết thêm.
Theo thống kê, Long An có 13.712 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 349.095 tỉ đồng. Đối với dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh đến nay là 1.127 dự án, với tổng số vốn 9.385,2 triệu USD, có 588 dự án đi vào hoạt động tổng số vốn đầu tư 3.624 triệu USD.
Toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 2.423ha, lấp đầy đạt 90,6%, thu hút hơn 166.000 lao động làm việc ổn định. Đối với 22 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 88,7%, thu hút trên 16.000 lao động làm việc ổn định. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp hơn 294.000 người. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (chiếm 90%), doanh nghiệp có nhiều NLĐ đa số tập trung tại các khu công nghiệp với các ngành, nghề như chế biến thủy sản, may mặc, gia công giày da...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.