Thông điệp đáng chú ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đối thoại chính sách tại TP.HCM
Thông điệp đáng chú ý của Thủ tướng khi đối thoại chính sách với Bộ ngành, doanh nghiệp tại TP.HCM
Hồng Phúc
Thứ tư, ngày 25/09/2024 17:59 PM (GMT+7)
Đối thoại chính sách với Bộ ngành, doanh nghiệp tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ý kiến và chỉ đạo về chính sách để Việt Nam thành công trong quá trình phát triển, tăng trưởng bền vững.
Chiều 25/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên đối thoại chính sách giữa Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành, Chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, tập đoàn trong nước và quốc tế.
Kỳ vọng của TP.HCM
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết trong 5 năm gần đây, kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển ổn định, giữ vai trò là trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Hàng năm, TP.HCM đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu ngân sách và của cả nước.
Trong sự phát triển kinh tế của TP.HCM, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng đóng góp cao.
Bên cạnh những thành tựu đạt được thì công nghiệp Thành phố đang đứng trước những thách thức, phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi của thành phố.
Ông Hoan cho rằng để khắc phục các hạn chế nêu trên, việc chuyển đổi ngành công nghiệp Thành phố là hết sức cấp bách và cần thiết.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, để chuyển đổi công nghiệp thành công, ngoài nỗ lực các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các địa phương.
Trước hết là xây dựng các chính sách ưu đãi mạnh mẽ, khả thi của Trung ương và Thành phố theo thẩm quyền; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường và tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới.
“TP.HCM luôn nhận thức rằng sự thành công của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình chuyển công nghiệp nói chung và sản xuất kinh doanh nói riêng, chính là sự thành công của Thành phố, góp phần tiếp thêm động lực cho Thành phố phát triển mạnh mẽ theo tinh thần TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM, vì sự thịnh vượng chung của đất nước”, ông Hoan nhấn mạnh.
Thủ tướng: 3 vấn đề then chốt giải quyết các bài toán
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui, tự hào về TP.HCM khi diễn đàn Kinh tế TP.HCM tổ chức lần thứ 5, quy mô ngày càng lớn hơn, đối tượng nhiều hơn, vấn đề sâu sắc hơn, nhận được sự quan tâm của bạn bè, đối tác quốc tế.
Lần này, chủ đề của Diễn đàn về chuyển đổi công nghiệp là chủ đề rất rộng và cũng là tiềm năng khác biệt, cơ hội nội trội, lợi thế cạnh tranh của TP.HCM; là chủ đề mang tính thời sự của quốc tế. Do đó, diễn đàn rất có ý nghĩa với TP.HCM, với Việt Nam và với cả bạn bè, đối tác quốc tế.
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các Bộ ngành như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên môi trường, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… về cơ chế chính sách cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vốn gắn chặt với câu chuyện chuyển đổi công nghiệp của TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ đã nêu ý kiến và chỉ đạo về chính sách để Việt Nam thành công trong quá trình phát triển, tăng trưởng bền vững.
Theo Thủ tướng Chính phủ, trước các vấn đề, việc thay đổi về thể chế, nâng cấp hạ tầng và vấn đề con người - nguồn nhân lực luôn là 3 yếu tố then chốt.
Về thể chế, ông cho rằng chúng ta phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sửa nhiều luật như Luật Giao dịch điện tử, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản... và đang xây dựng nhiều luật khác như Luật Dữ liệu. Trong kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội, số lượng luật thông qua và thảo luận là nhiều nhất từ trước tới nay. Chính phủ cũng ban hành các nghị định, các quyết định quy phạm. Đây là vấn đề quan trọng, có tiền đề để các địa phương triển khai thực hiện chính sách.
Cùng với đó, cần thúc đẩy phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và không thể không có hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng thích ứng rất quan trọng. Ngoài ra, phải huy động sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè, đối tác quốc tế về kinh nghiệm, nguồn lực… bởi chuyển đổi là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.