Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ ra nhiều bất cập khi triển khai chương trình vay 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ ra nhiều bất cập khi triển khai chương trình vay 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội
Linh Anh
Chủ nhật, ngày 10/11/2024 15:47 PM (GMT+7)
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế; một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý (về thủ tục về đầu tư, đất đai,...); đa số người dân trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập thấp... là những bất cập khi triển khai chương trình vay 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội.
Theo chương trình các phiên chất vấn, từ sáng mai (11/11), Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn các nhóm vấn đề bao gồm: Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Tại báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đề cập đến những giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian qua, NHNN cho biết, đơn vị này đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng với nhiều quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà điều hành triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, đảm bảo sinh kế, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Trong đó, Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà các Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Hiện nay, đã có 9 ngân hàng đăng ký tham gia Chương trình với tổng số tiền các ngân hàng đăng ký tham gia là 145.000 tỷ đồng.
Với gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Chương trình theo hướng quy định mức lãi suất ưu đãi hơn cho người mua nhà. Hiện nay, NHNN đang tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Xây dựng chủ trì làm việc với NHNN đối với nội dung này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, với Chương trình 120.000 tỷ đồng, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế; một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý (về thủ tục về đầu tư, đất đai,...).
"Đa số người dân trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập thấp hoặc đối với công nhân trong các khu công nghiệp không có nhu cầu ở dài hạn nên không có nhu cầu mua nhà ở xã hội, chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội,...", báo cáo nêu rõ.
Thống đốc cũng cho biết, Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, quy mô ban đầu là 15.000 tỷ đồng, sau nâng lên thành 30.000 tỷ đồng và hiện quy mô đã lên tới 60.000 tỷ đồng.
NHNN đã kết nối Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 02 công ty tài chính HDSaison và FECredit ký thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình 20.000 tỷ đồng cho vay đoàn viên công đoàn và công nhân khu công nghiệp.
Đồng thời, nhà điều hành đã có nhiều nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung đáp ứng nhu cầu vốn, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế; tăng cường cải cách thủ tục hành chính; rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng;...
Đối với công tác tổng hợp, rà soát khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi bão của các TCTD gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ tiếp tục bị ảnh hưởng sau bão (mưa lớn kéo dài, lũ quét và sạt lở đất), các khách hàng ở xa, địa hình phức tạp gây trở ngại cho TCTD trong việc tiếp cận, đánh giá để áp dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp;
Ngoài ra, số lượng khách hàng của các ngân hàng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 khá lớn (khoảng 192.000 khách hàng); trong đó nhiều khách hàng bị thiệt hại lớn (thậm chí thiệt hại toàn bộ) về tài sản hình thành từ vốn vay, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng;
Cuối cùng, nhiều khách hàng khó khăn từ dịch Covid -19, mới khôi phục lại sản xuất kinh doanh do được áp dụng các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới; nay lại tiếp tục thiệt hại do cơn bão số 3 nên hầu như không có khả năng khắc phục, không đáp ứng các điều kiện vay mới, dẫn tới nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 25/9/2024, như: xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng, xây dựng các chương trình, các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp,...
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với hình thức phù hợp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc và có giải pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng.
Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3; ban hành Thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của cơn bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3.
Chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội (NHCHSXH): (i) tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình cấp có thẩm quyền chấp thuận bổ sung kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2024 cho NHCSXH lên tối đa 10% và cho phép NHCSXH được bổ sung nguồn lực để cho vay các chương trình tín dụng chính sách; (ii) chỉ đạo NHCSXH các tỉnh, thành phố rà soát, bổ sung, đề xuất xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng tại các địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão lũ.
Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có văn bản công bố thiên tai và chỉ đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trên địa bàn khẩn trương tổng hợp đánh giá tình hình thiệt hại, xem xét thực hiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục khoanh nợ và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.