Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng, bị đề nghị truy tố

Q. Nguyễn Thứ năm, ngày 11/11/2021 17:05 PM (GMT+7)
Theo cơ quan điều tra, ông Trương Quốc Cường, với cương vị là cục trưởng Cục Quản lý dược, phó chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc để xảy ra vi phạm trong thẩm định, xét duyệt 2 hồ sơ thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin, gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng.
Bình luận 0

Ngày 11/11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án hình sự "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…", xảy ra tại TP.HCM và Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.

Theo đó, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 14 bị can. Có 9 bị can bị đề nghị truy tố về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, gồm Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường, Phạm Anh Kiệt, Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc, Phan Cẩm Loan, Lê Thị Vũ Phương, Phạm Quỳnh Trang, Nguyễn Thị Quyết.

Đề nghị truy tố 3 bị can Lê Đình Thanh, Nguyễn Việt Hùng và Trương Quốc Cường (thứ trưởng Bộ Y tế) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đề nghị truy tố 2 bị can Nguyễn Thị Thu Thủy, Phạm Hồng Châu về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Trương Quốc Cường chịu trách nhiệm là người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm

Theo kết luận điều tra, đối với trách nhiệm trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký 2 thuốc H2K Levofloxacin, H2K Ciprofloxacin, ngày 5/4/2005, ông Cao Minh Quang (thời điểm đó là cục trưởng Cục Quản lý dược) ký quyết định số 63 ban hành danh sách chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký và quy chế hoạt động của chuyên gia thẩm định kèm theo quy chế 63, quy định mỗi nhóm chuyên gia thẩm định có 1 nhóm trưởng phụ trách. Nhưng sau đó, năm 2006 - 2007, ông Quang không thực hiện quy định này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: BYT

Ngày 15/5/2007, bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định số 1753 ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng xét duyệt thuốc. Ngày 12/6/2007, ông Cao Minh Quang ký ban hành quy trình chuẩn bị hồ sơ đăng ký thuốc để đưa ra thẩm định và xử lý biên bản, không nêu quy định về nhóm trưởng nhóm chuyên gia thẩm định.

Tuy có các văn bản mới ban hành, quy chế 63 của Cục Quản lý dược chưa bị bãi bỏ, nên việc ông Trương Quốc Cường không phân công nhóm trưởng nhóm chuyên gia thời điểm 2009 - 2010 là không đúng quy định nêu tại quy chế 63.

Hồ sơ xin cấp số đăng ký 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000 không đảm bảo về mặt hồ sơ pháp lý. Chuyên gia thẩm định Tiểu ban pháp chế Nguyễn Thị Thu Thủy đã tự ý thẩm định lại hồ sơ, đề nghị cấp số đăng ký không đúng quy định, trong khi Tiểu ban pháp chế đã đánh giá hồ sơ thuốc không đạt yêu cầu.

Theo quy định tại quy chế 1753, trách nhiệm kiểm tra, rà soát ý kiến đánh giá của chuyên gia thẩm định được giao cho bà Phạm Hồng Châu (trưởng phòng đăng ký thuốc, thư ký Hội đồng xét duyệt) và ông Nguyễn Việt Hùng (phó cục trưởng Cục Quản lý dược, phó chủ tịch Hội đồng xét duyệt). 

Ông Hùng và bà Châu đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, rà soát biên bản thẩm định nên không phát hiện ra sai phạm của chuyên gia Nguyễn Thị Thu Thủy. 

Kết luận giám định của Bộ Y tế xác định, trách nhiệm chính là của chuyên gia thẩm định, trưởng phòng đăng ký thuốc và phó cục trưởng Cục Quản lý dược được chỉ định phó chủ tịch hội đồng, các cá nhân đã bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, xử lý về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ông Trương Quốc Cường, với cương vị là cục trưởng Cục Quản lý dược, phó chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc, cũng có trách nhiệm là người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm trong thẩm định, xét duyệt 2 hồ sơ thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin, gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng.

Chậm trễ đình chỉ lưu hành thuốc giả

Theo kết luận của cơ quan điều tra Bộ Công an, ông Trương Quốc Cường đã có các chỉ đạo tiến hành xác minh, cung cấp thông tin cho Bộ Công an phối hợp xác minh và chỉ đạo tạm dừng nhập khẩu đối với thuốc mang nhãn mác Health 2000. 

Nhưng việc ông Cường không kịp thời đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc cũng có dấu hiệu chưa làm hết trách nhiệm với vai trò là cục trưởng Cục Quản lý dược, để 4/7 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 tiếp tục được sử dụng điều trị, tổng giá trị trên 3,7 tỉ đồng.

Cụ thể, thời điểm năm 2014, cơ quan chức năng về lĩnh vực dược, cục đã chủ động xác minh về các công ty dược Canada trong đó có Health 2000, bằng các biện pháp cụ thể như gửi công văn đến Đại sứ quán Canada Việt Nam xác minh thông tin về các công ty dược của Canada hoạt động về thuốc tại Việt Nam, trong đó có Công ty Helix Pharmaceuticals Inc và Health 2000.

Cục Quản lý dược cũng đã nhận được email trả lời của Tổng lãnh sự quán Canada về Health 2000. Tuy nhiên, vì email trả lời này không có dấu, chữ ký, tên người gửi, trong đó có thông tin về Health 2000 nên Cục Quản lý dược đánh giá là chưa có căn cứ pháp lý để đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc mang nhãn mác Health 2000 theo quy định pháp luật.

Tháng 10/2014, ông Trương Quốc Cường chỉ đạo cục liên hệ qua email đề nghị phía Canada trả lời chính thức bằng văn bản.

Trong thời gian chờ kết quả xác minh, Cục đã gửi Công văn đề nghị Tổng cục Hải quan tạm ngừng nhập khẩu tất cả các sản phẩm của Health 2000.

Ngày 13/11/2014, Cục Quản lý dược có văn bản số 11 gửi Cục An ninh Chính trị nội bộ Bộ Công an đề nghị phối hợp xác minh thông tin về Health 2000. Sau đó, Cục An ninh Chính trị nội bộ có Công văn số 3714 gửi Cục trưởng Cục Quản lý dược nêu "Quá trình điều tra phát hiện hoạt động nhập khẩu thuốc Health 2000 có dấu hiệu sai phạm tương tự như thuốc của Helix", và đề nghị cung cấp tài liệu để phục vụ xác minh, làm rõ.

Đến năm 2019, sau khi có kết quả tương trợ tư pháp của Canada xác định Health 2000 không có nhà máy sản xuất thuốc tại Canada, Cơ quan ANĐT Bộ Công an mới có cơ sở khởi tố vụ án "Buôn bán hàng giả là thuộc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada" để điều tra, làm rõ.

Kết quả xác minh tại Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố đều cho thấy không có thông tin về việc thuốc mang nhãn mác Health 2000 là thuốc giả, thuốc kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Kết quả kiểm nghiệm đối với 3/7 thuốc mang nhãn mác Health 2000 tại Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM đều xác định đạt chất lượng theo tiêu chuẩn.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem