Thủ tướng Chính phủ báo cáo với Quốc hội về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó vì Covid-19

Đức Minh Thứ ba, ngày 20/10/2020 11:24 AM (GMT+7)
Báo cáo tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho biết, để hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19, các chính sách tài khóa đã thực hiện đạt khoảng 88 nghìn tỷ đồng; chính sách tiền tệ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 260 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 304 nghìn tỷ đồng…
Bình luận 0
88.000 tỷ đồng đến tay người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19

Chia sẻ gánh nặng khó khăn với doanh nghiệp và người dân

Báo cáo trước Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sáng nay (20/10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, từ đầu năm 2020 đến nay, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 với tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu.

Với Việt Nam, là nền kinh tế có độ mở lớn, chúng ta đã trải qua 2 đợt dịch ở một số địa phương với những tác động mạnh đến tình hình kinh tế, xã hội đất nước. Nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; tiêu thụ hàng hóa giảm sút; sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, nhất là trong một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, vận tải, du lịch…; hàng triệu lao động mất việc làm, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập.

Trước bối cảnh rất khó khăn, đặc biệt là những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai các kết luận, nghị quyết, chỉ thị với phương châm "chống dịch như chống giặc", quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả; vừa tập trung phục hồi và phát triển KTXH. 

Để hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có các giải pháp về tài khóa, tiền tệ, tín dụng (cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay…), hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua các nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020, giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2020. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị định, quyết định về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất của năm 2020 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch ; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; đồng thời trình cấp có thẩm quyền xem xét để hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, trong đó có ngành hàng không.

Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, Thủ tướng cũng cho biết, trên cơ sở kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch .

Qua đánh giá sơ bộ, ngoài một số khó khăn, hạn chế đã nêu, các giải pháp, chính sách được ban hành đã phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hỗ trợ cho người dân, nhất là người lao động bị giảm sâu thu nhập và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư quan trọng quốc gia. 

Đối với các chính sách tài khóa đã ban hành, kết quả thực hiện đạt khoảng 88 nghìn tỷ đồng, trong đó: đã giải ngân trên 12,9 nghìn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho trên 12,4 triệu người dân, gần 21 nghìn hộ kinh doanh và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 164,5 nghìn người lao động theo Nghị quyết số 42/NQ-CP; đã gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp khoảng 66,4 nghìn tỷ đồng theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP. Đối với các chính sách tiền tệ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 267,6 nghìn khách hàng với dư nợ 304,6 nghìn tỷ đồng; cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với tổng số dư nợ khoảng 3 triệu tỷ đồng…

Nhiều điểm sáng về kinh tế xã hội

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm và sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, với các biện pháp đồng bộ, kịp thời, quyết liệt, chúng ta đã đạt được kết quả tích cực, nền kinh tế tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn vẫn giữ được mức bảo đảm, an ninh lương thực được giữ vững, xã hội ổn định, đời sống nhân dân được đảm bảo. 

88.000 tỷ đồng đến tay người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Kết quả tăng trưởng kinh tế có nhiều điểm sáng

"Kết quả tích cực trong phòng, chống đại dịch Covid19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, khẳng định truyền thống đoàn kết, nhân ái, ý chí kiên cường của dân tộc, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước" - Thủ tướng nói.

Những kết quả tích cực được thể hiện ở tình hình kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%.

Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao. Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,5-3,9% (mục tiêu là dưới 4%). Các nhiệm vụ chi cơ bản được bảo đảm, nhất là chi cho các nhiệm vụ chính trị quan trọng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Nông nghiệp khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn, tăng trưởng cả năm của ngành ước đạt khoảng 2,6% (cao hơn mức 2,01% của năm 2019). Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 2,5%. Xuất khẩu tăng, xuất siêu 9 tháng đạt 16,99 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực trong nước vươn lên mạnh mẽ, 9 tháng tăng 20,2%. 

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhìn chung năm 2020 có nhiều điểm sáng, đã hạn chế được tác động của dịch bệnh, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; trong đó, đạt và vượt 08/12 chỉ tiêu chủ yếu, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống của người dân, giúp đỡ được bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

"Kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; góp phần tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin trong toàn xã hội và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, khẳng định truyền thống đoàn kết, nhân ái, ý chí kiên cường, tự tôn dân tộc, bản chất tốt đẹp của chế độ ta" – Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Thủ tướng nêu rõ trong thời gian từ nay đến cuối năm cũng như năm 2021, các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực, theo dõi sát, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan; đồng thời phục hồi và phát triển các hoạt động KTXH, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác đối với dịch bệnh Covid-19.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem