Mô hình thông tin công trình đầu tiên được ứng dụng trong thiết kế, thi công cao tốc 17.000 tỷ đồng ở Đông Nam bộ

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 26/09/2024 17:39 PM (GMT+7)
Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương đã áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) ngay từ bước chuẩn bị đầu tư để tối ưu quá trình thiết kế, thi công và quản lý dự án.
Bình luận 0

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là dự án hạ tầng giao thông được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP có ứng dụng BIM đầu tiên tại Việt Nam.

Ứng dụng BIM vào dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát, kiểm tra tiến độ triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là trục cao tốc Bắc - Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (kết nối Vành đai 4, Vành đai 3, dẫn đến đường Vành đai 2 TP.HCM).

Mô hình thông tin công trình đầu tiên được ứng dụng trong thiết kế, thi công cao tốc 17.000 tỷ đồng ở Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ về nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương. Ảnh: PV

Đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), kết nối các sân bay và cảng biển. Đoạn qua Bình Phước dài khoảng 7km, Bình Dương hơn 52km.

HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương đầu tư dự án theo phương thức đầu tư PPP (loại hợp đồng BOT), và cam kết vốn ngân sách địa phương. UBND tỉnh đã có các quyết định phê duyệt các dự án.

Dự án hiện đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có Liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex).

Với tổng mức đầu tư khoảng 17.408 tỷ đồng, dự án gồm 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án giải phóng mặt bằng khoảng 381,6ha với ngân sách khoảng 8.283 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương và vốn nhà đầu tư khoảng 8.883 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án 2024-2027, thời gian thu phí, hoàn vốn dự kiến 32 năm 7 tháng.

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương đã áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) ngay từ bước chuẩn bị đầu tư để tối ưu quá trình thiết kế, thi công và quản lý dự án.

Đây là dự án hạ tầng giao thông được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP có ứng dụng BIM đầu tiên tại Việt Nam.

Trên tuyến có 4 nút giao liên thông và 2 điểm ra vào đường cao tốc; xây dựng 26 công trình cầu; bố trí các hầm chui dưới đường cao tốc hoàn trả đường dân sinh, đường hiện trạng phù hợp theo nhu cầu của địa phương.

Mô hình thông tin công trình đầu tiên được ứng dụng trong thiết kế, thi công cao tốc 17.000 tỷ đồng ở Đông Nam Bộ - Ảnh 2.

Bình đồ tổng thể hướng tuyến dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và các nút giao. Ảnh: PV

Để phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc, kết nối xuyên suốt từ Bình Phước đến trung tâm TP.HCM, đại diện nhà đầu tư dự án kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất một số nội dung.

Trong đó, đề nghị UBND TP.HCM sớm triển khai đầu tư mở rộng đoạn từ nút giao Gò Dưa (TP.HCM) đến đoạn tiếp giáp tỉnh Bình Dương tại đường ĐT743 kết nối đồng bộ đường cao tốc trong năm 2025.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Phước sớm triển khai đồng bộ đoạn cao tốc trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong năm 2024.

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ khởi công tháng 11/2024

Thị sát khu vực giải phóng mặt bằng dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là tuyến đường huyết mạch có ý nghĩa chiến lược, kết nối giữa Tây Nguyên, Đông Nam bộ, sân bay Long Thành và hàng loạt tuyến cao tốc, cảng biển.

Mô hình thông tin công trình đầu tiên được ứng dụng trong thiết kế, thi công cao tốc 17.000 tỷ đồng ở Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát, kiểm tra tiến độ triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: PV

Thủ tướng yêu cầu 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Phước chỉ có 7km (theo hình thức đầu tư công), cần khẩn trương triển khai, hoàn thành sớm, đầu tư đồng bộ với đoạn qua tỉnh Bình Dương (được đầu tư PPP) để phát huy hiệu quả khai thác.

Đồng thời, khi triển khai dự án cần lựa chọn những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm dẫn dắt doanh nghiệp địa phương cùng làm để vừa đẩy nhanh thi công, vừa tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, vừa giúp các doanh nghiệp địa phương trưởng thành để làm các dự án lớn khác.

Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng, dự kiến sẽ khởi công dự án trong tháng 11/2024.

Mô hình thông tin công trình đầu tiên được ứng dụng trong thiết kế, thi công cao tốc 17.000 tỷ đồng ở Đông Nam Bộ - Ảnh 4.

Công nhân dọn mặt bằng để chuẩn bị thi công dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tại vị trí tiếp giáp đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bố trí các nút giao trên tuyến cao tốc phù hợp, khẩn trương quy hoạch để khai thác tốt nhất không gian phát triển mới từ tuyến cao tốc, phát triển các KCN, dịch vụ, đô thị thế hệ mới với các yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp.

Thủ tướng cũng lưu ý các nút giao cần xây dựng khác mức, với không gian xanh, sạch, đẹp; các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu thêm việc kết nối tới Tây Ninh để Tây Ninh có đường ra cảng biển, sân bay ngắn nhất có thể.

Dự án TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đi qua 5 địa phương cấp huyện; điểm đầu giao với đường Vành đai 3 TP.HCM (thuộc địa phận TP.Thuận An), điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước.

Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài tuyến khoảng 52,159km, trong đó đoạn giữ nguyên theo quy mô mặt cắt ngang đường hiện trạng khoảng 6,5km, đoạn xây dựng mới khoảng 45,6km.

Phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 đầu tư đường cao tốc với quy mô 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 25,5m, vận tốc thiết kế 100 km/h; giai đoạn hoàn thiện đầu tư đường cao tốc hoàn chỉnh có 6 làn xe theo quy hoạch, vận tốc thiết kế 100km/h.

Hiện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (thực hiện cắm cọc giải phóng mặt bằng, kiểm kê, khảo sát xây dựng phương án giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…), phối hợp Tập đoàn Cao su Việt Nam tiến hành các thủ tục thanh lý, cắt hạ cây cao su phục vụ triển khai dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem