Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

An Linh Thứ bảy, ngày 06/07/2024 13:49 PM (GMT+7)
Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; không để tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; đồng thời quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Bình luận 0

Sáng 6/7 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.

Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP quý II đã phục hồi mạnh, đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt kịch bản tại Nghị quyết 01 (5,5-6%).

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ đưa ra hàng loạt chỉ đạo nóng cho kinh tế 6 tháng cuối năm (Ảnh: Chinhphu.vn).

Cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt, nông nghiệp tăng 3,38%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%; dịch vụ tăng 6,64%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 54,7 điểm (cao nhất ASEAN).

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: Nông nghiệp chỉ còn chiếm 11,55%; công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%; dịch vụ chiếm 43,35%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,66%.

Chính phủ khẳng định, nền kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng 5; bình quân 6 tháng tăng 4,08% (lạm phát cơ bản tăng 2,75%).

Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6%; tỉ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì khá ổn định; khoảng cách chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước giảm còn khoảng 4-5 triệu đồng/lượng.

Chính phủ khẳng định, tình hình tài chính-ngân sách nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định.

Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm đã miễn, giảm 47,3 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí; dự kiến tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí cả năm 2024 khoảng 191 nghìn tỷ đồng.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. ADB, Standard Chartered, HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 6%. IMF đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% giai đoạn 2024-2029. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng tăng 2 bậc; Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8 bậc; Chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, 6 tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế đã phục hồi trở lại như trước đại dịch COVID-19 và tiếp tục xu hướng tích cực.

Về nhiệm vụ trước mắt, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7% trong quý III, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý IV; lạm phát giữ ở mức dưới 4,5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung- Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị

Quan điểm của Thủ tướng chỉ đạo là các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, "say sưa chiến thắng". Cần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; không để tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; đồng thời quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài.

Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chi phí vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng, tăng tiếp cận vốn tín dụng.

"Giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Siết chặt kỷ luật tài chính- ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, tiết kiệm chi; đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử", Thủ tướng yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ.

Trong đó, kiên quyết điều chuyển 29,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn ODA; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem