"Thừa mứa" tiền, ngân hàng lại đua giảm lãi suất huy động
"Thừa mứa" tiền, ngân hàng lại đua giảm lãi suất huy động
Huyền Anh
Thứ ba, ngày 11/08/2020 06:30 AM (GMT+7)
7 tháng, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,45%, trong khi huy động đạt 5,31% khiến các ngân hàng bị "bội thực" tiền gửi và cuộc đua giảm lãi suất lại diễn ra. Hiện mức lãi suất huy động thấp nhất là 3,5%/năm kỳ 1-2 tháng và cao nhất là 7,3%/năm cho kỳ 13 tháng. Đây là cơ sở cho lãi suất cho vay giảm sâu.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 28/7, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,45% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%). Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, huy động vốn tăng 5,31%.
Như vậy, tăng trưởng huy động đang cao gấp đôi so với tăng trưởng cho vay trong 7 tháng đầu năm, tạo nên sự dồi dào về thanh khoản tại hệ thống ngân hàng. Đây là một trong những điều kiện để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động.
Đơn cử như tại Techcombank, nhà băng này ngay từ đầu tháng 8 đã giảm lãi suất từ 0,2-0,3% so với tháng trước với kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng.
Đầu tháng 8/2020, biểu lãi suất Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) được điều chỉnh giảm tại hầu hết các kỳ hạn so đầu tháng trước.
Đối với kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, mức lãi suất huy động tại BaoViet Bank giảm 0,3%, xuống 3,7%/năm. Đây cũng là mức giảm của các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng. Hiện mức lãi suất huy động các kỳ hạn này được niêm yết ở mức 3,95%/năm.
Trong khi đó, các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng đều được đồng loạt điều chỉnh giảm tới 0,5% cho mỗi kỳ hạn.
Các khoản tiền kỳ hạn 1 tháng tại ACB được điều chỉnh giảm từ 0,3-0,45% so với đầu tháng 7 và dao động trong khoảng từ 3,7%-3,8%/năm. ACB cũng giảm 0,5% và 0,6% lần lượt cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, lãi suất dao động từ 5,3%-5,6%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất giảm 0,5 điểm % so với đầu tháng 7, niêm yết ở mức 5,7%-6%/năm. Khách hàng gửi từ 30 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng sẽ được hưởng lãi suất 7,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng điều chỉnh giảm 0,3% lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi tại nhà băng này. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại hình thức gửi tiết kiệm thông thường tại SCB duy trì ở mức 7,7% khi gửi tiền tại kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Lãi suất huy động tại Vietcombank cao hơn 0,1% so với Agribank, BIDV và Vietinbank
Không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần, thời điểm hiện tại các "ông lớn" ngân hàng quốc doanh cũng đã nhập cuộc đua giảm lãi suất huy động.
Trong biểu lãi suất mới nhất dành cho khách hàng cá nhân tại quầy ngày 10/8, Vietcombank đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng xuống chỉ còn 3,5%/năm từ mức 3,7%/năm (mức lãi suất huy động niêm yết vào thời điểm đầu tháng 8). Kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 3,8%/năm, giảm thêm 0,2%. Với các khoản tiết kiệm 9 tháng, Vietcombank giảm 0,1% xuống còn 4,5%/năm. Đối với kỳ hạn từ 9-11 tháng, lãi suất huy động giảm về 4,4%/năm, thay vì mức 4,5%/năm hồi đầu tháng 8.
Đây cũng là mức lãi suất được niêm yết tại các "ông lớn" quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV và Vietinbank tại các kỳ hạn tương ứng.
Đáng chú ý, hiện lãi suất gửi cao nhất tại ngân hàng này là 6,1%/năm kỳ hạn 24 tháng. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi cao nhất tại Vietinbank, BIDV và Agribank chỉ ở mức 6%/năm, thấp hơn 0,1% so với mức lãi suất huy động cao nhất tại "ông lớn" ngân hàng lợi nhuận tỷ USD Vietcombank. Đây cũng là điểm khác biệt trong biểu lãi suất huy động của Vietcombank với 3 "ông lớn" quốc doanh còn lại là Agribank, Vietinbank và BIDV.
Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước trong tuần từ 27/7 - 31/7, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ổn định so với trước đó.
Đến cuối tháng 7, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng tới 12 tháng dao động 3,7 - 6,4%/năm. Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0 - 7,3%/năm.
Mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành văn bản số 5596 /NHNN-VP gửi các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Trong đó, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước về tiết giảm chi phí hoạt động; giảm lương, thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và khoản cho vay mới. Từ đó, góp phần hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp, người dân vượt khó, góp phần phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch...
Như vậy, với việc lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm sẽ là cơ sở để có thể hạ thêm lãi suất cho vay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.