Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu giảm kịch sàn từ 11/7, yêu cầu Chính phủ sớm giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu

An Linh Thứ tư, ngày 06/07/2022 13:21 PM (GMT+7)
Với 100% thành viên nhất trí, sáng nay 6/7 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường yêu cầu Chính phủ sớm giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu.
Bình luận 0

Giảm thuế môi trường xăng dầu kịch sàn từ ngày 11/7

Theo đó, trong buổi họp bất thường sáng nay, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ.

Cụ thể: xăng (trừ ethanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít.

Thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu chính thức được giảm kịch sàn - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính trao đổi tại phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, xem xét việc giảm thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu ngày 6/7 (Ảnh: Quốc hội).

Thời điểm thi hành của Nghị quyết, sẽ có hiệu lực thi hành ngày 11/7/2022, tức là 5 ngày nữa, gần kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo (dự kiến 15/7).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong điều kiện hiện nay là rất cấp bách, thực hiện càng sớm bao nhiêu thì càng hiệu quả bấy nhiêu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ đề nghị Chính phủ xem xét để nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc MFN; đồng thời, khẩn trương xem xét, nghiên cứu đối với những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu. 

"Trong trường hợp giá cả xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế thì Chính phủ sớm nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định", Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Yêu cầu Chính phủ sớm giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu xăng dầu

Ngoài việc cắt giảm thuế, lãnh đạo Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao các ngư dân đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp.

Trước đó, thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết tờ trình của Chính phủ có đề cập nguyên nhân về xu thế tăng giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thế giới. Với đỉnh điểm giá dầu thô thế giới vào tháng 3-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 18 để điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, với hiệu lực áp dụng từ 1/4/2022.

Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu giảm kịch sàn từ 11/7, yêu cầu Chính phủ sớm giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra (Ảnh: Quốc hội)

Vì vậy, Chính phủ cần chủ động hơn trong các biện pháp điều hành giá xăng dầu trong nước theo thẩm quyền, trong đó đặc biệt là các biện pháp điều chỉnh về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mà cho đến nay vẫn chưa được Chính phủ thực hiện.

Chủ nhiệm Cường nêu rõ một số ý kiến cho rằng, với tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của nhiều quốc gia trên thế giới, việc đề xuất giảm thuế là không thực sự thuyết phục.

Nếu thuế chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong giá bán thì việc giảm thuế có thể không thực sự tác động lớn đến việc giảm giá bán xăng dầu, không đạt được mục tiêu đặt ra trong điều chỉnh chính sách thuế, song lại ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình rõ hơn về nội dung này.

Bên cạnh đó, ông Cường cho biết hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về dự thảo nghị định của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), trong đó dự kiến giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng từ mức 20% xuống 12%.

Việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN này sẽ là một hỗ trợ tích cực, góp phần làm giảm giá xăng trên thị trường trong nước bên cạnh các biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định để ban hành và kịp thời đưa vào áp dụng trước khi tiếp tục trình Quốc hội các đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng như dự kiến.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng mức giảm hiện nay đối với thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu không đáng kể. 

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị trong Nghị quyết chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương có đưa ra vấn đề về cấu thành giá xăng dầu, ngoài thuế phí ra còn các chi phí khác, chi phí định mức tiêu hao. Do đó, Chính phủ cũng phải cân nhắc để xem các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở của giá xăng dầu để có chính sách điều hành và tiếp tục giảm giá xăng dầu xuống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem