Mức tiền lương tham chiếu được dùng để tính lương hưu khi cải cách tiền lương ra sao?

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 01/06/2024 06:00 AM (GMT+7)
Cải cách tiền lương dùng tiền lương tham chiếu để làm căn cứ tính lương hưu và các khoản phụ cấp khác thay vì tiền lương cơ sở. Vậy lương tham chiếu là gì, mức tiền lương tham chiếu này là bao nhiêu?
Bình luận 0

Mức lương tham chiếu được tính làm cơ sở để đóng BHXH khi cải cách tiền lương

Tại Nghị quyết 27-NQ/TW có nêu rõ trong xác định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới:

Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Do đó, khi thiết kế bảng lương mới từ ngày 1/7/2024 sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở. Hiện nay, căn cứ tại Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức lương hưu hàng tháng:

Mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 2 và Khoản 3 Điều 54 của Luật này.

Theo đó, quy định về mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Có thể thấy việc bãi bỏ lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 đã mở ra cơ chế mới trong việc xác định lương hưu hàng tháng thấp nhất.

Mức tiền lương tham chiếu được dùng để tính lương hưu khi cải cách tiền lương ra sao?- Ảnh 1.

Tiền lương tham chiếu sẽ thay thế cho mức tiền lương cơ sở. Ảnh: N.T

Để thay thế cho mức lương cơ sở, tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất một mức lương mới là mức tham chiếu để làm căn cứ tính chế độ bảo hiểm xã hội.

Khoản 12 Điều 4 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nêu rõ: Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong Luật này. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước, quỹ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, mức tham chiếu đã được định nghĩa rõ tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đây là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó có lương hưu.

Tuy nhiên, mức lương tham chiếu sẽ phải cao hơn hoặc bằng mức lương cơ sở hiện hành là 1,8 triệu đồng/tháng và sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế từng thời kỳ.

Như vậy, việc bãi bỏ lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 đã mở ra cơ chế mới trong việc xác định lương hưu hàng tháng thấp nhất và cách tính chế độ bảo hiểm xã hội, trong đó có lương hưu.

Chia sẻ với báo chí, bà Phạm Thu Lan - Viện trưởng Viện công nhân, Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết ngoài tiền lương tham chiếu để tính toán tiền lương hưu và BHXH hay các khoản trợ cấp có liên quan, cũng cần xây dựng mức tiền lương hưu tối thiểu. Điều này nhằm đảm bảo người về hưu có một mức lương tối thiểu đủ để đảm bảo duy trì cuộc sống. Mức lương hưu tối thiểu có thể được "nâng cấp" hàng năm, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội.

Mức lương tham chiếu cần được "nâng cấp" hàng năm

Trước đó, thảo luận về các nội dung liên quan tới cải cách tiền lương, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, mức tiền lương tham chiếu được đưa ra trên chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế là rất phù hợp. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của người hưởng các chế độ BHXH, dự thảo luật cần quy định định kỳ thời gian "nâng cấp" điều chỉnh mức tham chiếu. "Hiện chúng ta thực hiện cách tính lương truyền thống là tính mức lương cơ sở, thông thường 3 năm tăng lương 1 lần, tức là số tiền đóng BHXH 3 năm cũng sẽ có thay đổi. Còn chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế hàng năm không giống nhau", đại biểu này phân tích.

Mức tiền lương tham chiếu được dùng để tính lương hưu khi cải cách tiền lương ra sao?- Ảnh 2.

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH chia sẻ về cách tính mức lương tham chiếu thay cho tiền lương cơ sở. Ảnh: N.D

Trong khi đó, Chính phủ đang đề xuất mức tham chiếu tính mức đóng BHXH là 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 thay thế cho mức lương cơ sở. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, từ ngày 1/7 tới đây, dự kiến lương bình quân của công chức, viên chức tăng 30%, nên cần đánh giá toàn diện hơn về đề xuất này.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, bản chất mức tham chiếu là khái niệm mới thay thế cho mức lương cơ sở. Theo đó, Chính phủ tiếp tục đề xuất sử dụng mức 1,8 triệu đồng-mức lương cơ sở hiện nay làm mức lương tham chiếu. Sau này, khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương, tiền lương tăng lên bao nhiêu thì mức tiền lương tham chiếu cũng sẽ tăng theo.

Theo các chuyên gia lao động, tiền lương, mức tiền lương tham chiếu được tính làm căn cứ để tính mức đóng, mức hưởng BHXH. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu. Do vậy, vấn đề này cần được xem xét một cách toàn diện trong bối cảnh cải cách tiền lương. Cần có đánh giá tác động cụ thể với người hưởng lương hưu và hưởng các khoản trợ cấp có liên quan ở từng thời điểm khác nhau trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau để có quyết định cụ thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem