Tìm động lực để thủy sản Việt Nam vượt qua hàng loạt khó khăn đang vây bủa

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 12/06/2023 10:49 AM (GMT+7)
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cần tiếp tục hoàn thành vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, giữa doanh nghiệp với cộng đồng ngư dân và các thị trường quốc tế, tiếp tục đưa thủy sản Việt Nam vượt qua năm 2023 đầy sóng gió.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị như thế tại Hội nghị toàn thể hội viên 2023 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức ngày 12/6, tại TP.HCM.

Hàng loạt khó khăn với xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Chủ tịch Vasep, từ cuối năm 2022, Hiệp hội và các doanh nghiệp đã xác định ngành thủy sản Việt Nam sẽ có một năm 2023 cực kỳ khó khăn. Nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, xuất khẩu thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.

Hội nghị toàn thể hội viên 2023 của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội nghị toàn thể hội viên 2023 của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Những kết quả cụ thể đã cho thấy sự sụt giảm liên tục của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính.

Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ hơn 50% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm gần 32%, và Trung Quốc giảm hơn 25%.

Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều giảm 2 con số, cụ thể tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40%, cá ngừ giảm hơn 30%.

Chiến tranh quân sự giữa Nga và Ukraina chưa có dấu hiệu kết thúc. Tình hình lạm phát tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian tới.

Nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III/2023 thay vì phục hồi từ quý 3 năm nay như những dự báo trước đây.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn thay vì phục hồi từ quý 3 năm nay như những dự báo trước đây. Ảnh: Nguyên Vỹ

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn thay vì phục hồi từ quý 3 năm nay như những dự báo trước đây. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo bà Sắc, bên cạnh những khó khăn từ thị trường nhập khẩu, gần đây xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã nghe nói nhiều đến tôm của Ecuador, Ấn Độ trong cộng đồng doanh nghiệp với sự lo lắng về khả năng cạnh tranh với giá thành nuôi tôm.

Vasep cũng đã nhận diện những thách thức về hiệu quả nuôi cá tra khi đối mặt với chi phí thức ăn tăng cao, bên cạnh chất lượng nguồn giống thiếu ổn định.

Thẻ vàng IUU trong hải sản khai thác cũng đang là một hạn chế lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản.

Bà Sắc cho rằng, nêu lên những khó khăn này không phải để "than nghèo kể khổ" mà Vasep muốn toàn thể hội viên nhìn vào thực tế, xác định những vấn đề chiến lược ưu tiên trong hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới.

Động lực cho chặng đường mới của xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Mới đây, Ủy ban Tôm Vasep đã khởi động chương trình "Vì một ngành tôm phát triển bền vững" và bước đầu đã có những tác động tích cực đến thị trường nguyên liệu tôm.

Ủy ban Cá nước ngọt cũng bắt đầu xây dựng chương trình quảng bá cá tra cùng với hoạt động liên kết cùng đánh giá lại để có biện pháp cải thiện tình hình cung ứng con giống, thức ăn, tỷ lệ thành công cho con cá tra

Ủy Ban Hải Sản của Vasep nỗ lực đồng hành gỡ tthẻ Vàng IUU. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ủy Ban Hải Sản của Vasep nỗ lực đồng hành gỡ tthẻ Vàng IUU. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ủy ban Hải sản cũng đang đóng góp tài chính để thuê tư vấn quốc tế cho vấn đề thẻ vàng IUU. Những hoạt động này cho thấy chúng ta đang đi cùng nhau để đi được xa hơn.

"Toàn ngành chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể làm được nhiều hơn khi toàn thể hội viên cùng đồng lòng tìm các giải pháp để vượt qua những khó khăn hiện nay và phát triển", Chủ tịch Vasep chia sẻ.

Hội nghị toàn thể hội viên của Vasep năm nay được tổ chức đúng vào ngày thành lập Hiệp hội, cũng là dịp đánh dấu cột mốc 25 năm xây dựng và phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, 25 năm qua, Vasep đã vượt qua nhiều khó khăn và phát triển khá toàn diện, với vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giữa doanh nghiệp hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Chính phủ và Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đồng hành để ngành thủy sản Việt Nam có thêm dũng khí và điều kiện để vượt qua năm 2023 dự báo đầy sóng gió.  Ảnh: Nguyên Vỹ

Chính phủ và Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đồng hành để ngành thủy sản Việt Nam có thêm dũng khí và điều kiện để vượt qua năm 2023 dự báo đầy sóng gió. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bộ NNPTNT đánh giá cao các kết quả đạt được của Hiệp hội trong các hoạt động vận động chính sách; vượt rào cản thương mại; xúc tiến thương mại; thông tin và truyền thông; đóng góp hơn 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Năm 2022 ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được kết quả rất đáng tự hào, đạt được mục tiêu kỷ lục 11 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023 vẫn còn đó những thách thức làm cản trở sự tăng trưởng của ngành thuỷ sản Việt Nam.

Trước những thách thức đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NNPTNT luôn quan tâm, đồng hành và chỉ đạo sát sao các hoạt động của ngành thủy sản, để ngành có thêm dũng khí và điều kiện để vượt qua năm 2023 dự báo đầy sóng gió, coi đó là năm chuẩn bị sẵn sàng đón bắt cơ hội phục hồi và phát triển.

Bộ NNPTNT mong muốn Vasep tiếp tục hoàn thành tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, giữa doanh nghiệp với cộng đồng ngư dân và các thị trường quốc tế.

"Vasep cần tiếp tục đưa thủy sản Việt Nam ra các thị trường quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ngày một lớn mạnh và bền vững của ngành, giữ vững vị thế là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về cung cấp thủy sản", Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem