Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF): Đã có “cây gậy vàng” từ Chính phủ để giải cứu chim trời
Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF): Đã có “cây gậy vàng” từ Chính phủ để giải cứu chim trời
Lãng Quân – Hoàng Chiên
Chủ nhật, ngày 10/01/2021 09:47 AM (GMT+7)
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - Quản lý Chương trình Chống buôn bán trái phép các loài hoang dã tại Việt Nam (thuộc WWF) cho rằng hiện đã có "cây gậy vàng" từ Chính phủ để giải cứu chim trời.
Quy định có đủ, chỉ cần thực thi công tâm và triệt để
Thưa bà, Nhóm phóng viên Dân Việt đã điều tra về các "hang ổ", xâm nhập các "tổng kho" buôn bán và giết thịt chim trời trên nhiều tỉnh thành. Theo bà, chúng ta nên xử lý các đối tượng vi phạm như thế nào?
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân: Đây là một vấn đề nhức nhối của bảo tồn ở Việt Nam. Với mức độ bắt, bẫy, bắn chim hoang dã tràn lan, khối lượng lớn như nhóm phóng viên Dân Việt đã phản ảnh, các loài chim hoang dã sẽ nhanh chóng bị đẩy đến bờ tuyệt chủng.
Pháp luật thường đi trễ một bước, nhưng đối với bảo tồn thiên nhiên, nguyên tắc phòng ngừa luôn được ưu tiên cho mọi ưu tiên.
Vì vậy cho dù những quy định trong Luật Lâm nghiệp, Nghị Định 06/2019 chưa cụ thể về chim hoang dã có phải là chim rừng không, nhưng vẫn xử lý được các vi phạm, dựa vào các quy định như: Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, điều 234 – Tội vi phạm quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
Các chủ nhà hàng ở Hà Nam, đầu nậu ở Bắc Ninh, quán bán chim hoang ở Vĩnh Phúc (mà Dân Việt phản ánh)… và nhiều vi phạm khác, đều có thể xem xét xử lý theo khoản 1 điều trên.
Chim di cư nằm trong danh mục sách đỏ thế giới dính bẫy người dân tại tỉnh Bến Tre. Video người dân cung cấp
Với những người sử dụng súng bắn chim như mô tả, hành vi dùng súng, tàng trữ súng trái phép này có thể bị phạt tù từ 3-7 năm, phạt tiền đến 1,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007, Điều 15 quy định vệ sinh trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác; Luật thương mại về hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh, quảng cáo hạn chế kinh doanh, và kinh doanh có điều kiện - Thực vật, động vật hoang dã (bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng được chế biến); Luật số 14/2017 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quy định các điều khoản về sử dụng súng săn… đều có các quy định khá rõ ràng để cơ quan hữu trách có thể xử lý được.
Ngoài ra, việc săn bắt, sử dụng chim hoang dã trong thời kỳ dịch bệnh làm công tác phòng chống dịch bệnh khó quản lý hơn.
Chính quyền các cấp có thể xử lý hành vi này theo quy định về phòng chống dịch bệnh để nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về kiên quyết xóa bỏ các chợ, tụ điểm buôn bán ĐVHD trái pháp luật.
Nếu nói rằng chim trời không phải là động vật rừng, không phải là động vật hoang dã là chưa cương quyết xử lý vi phạm theo tinh thần của Chỉ thị 29/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
WWF là một tổ chức bảo tồn quốc tế có uy tín, theo bà, làm thế nào để ngăn chặn, diệt trừ, xử lý triệt để vấn nạn này ở các đô thị có rất nhiều nhà hàng "đặc sản chim trời" hiện nay?
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân: Tăng cường thực thi pháp luật công tâm và triệt để, kết hợp với vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ ĐVHD là biện pháp hiệu quả nhằm kịp thời ngăn chặn và tiến tới chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.
Thông qua Chỉ thị số 29/2020, Thủ Tướng CP đã yêu cầu các Bộ, Ban, Ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để điều chỉnh các hành vi sử dụng ĐVHD hiện đang thiếu.
Trong khi chờ các văn bản pháp luật, vai trò của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương như Sở NNPTNT, Sở TNMT, lực lượng công an, kiểm lâm, quản lý thị trường trong việc tham mưu cho UBND tỉnh có những biện pháp hành chính là rất quan trọng.
Tôi xin đơn cử một ví dụ, với sự hỗ trợ của WWF - Việt Nam, UBND Thành phố Huế đã ra văn bản cam kết Thành phố Huế là thành phố không sử dụng thịt thú rừng. Tiếp đó UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Chỉ thị về cấm săn, bắn, sử dụng thú rừng và chim hoang dã trên toàn tỉnh.
Chỉ thị nghiêm cấm săn, bắn, bắt chim trời và nghiêm cấm cán bộ công chức, viên chức, cơ quan trên toàn tỉnh ăn thịt thú rừng, chim trời và các sản phẩm có nguồn gốc từ chúng, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt, nuôi nhốt và giết thịt động vật và chim hoang dã.
Đây là bước đi chiến lược, thể hiện sự cam kết và trách nhiệm cao của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cần được biểu dương và nhân rộng.
WWF mong rằng Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác cũng có những giải pháp cụ thể để Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, thân thiện với môi trường và thu hút khách thập phương đến du lịch.
Bà có thể cho biết, các nước khác trên thế giới họ xử lý vấn đề này như thế nào? Và Việt Nam có thể học tập gì ở các quốc gia khác, để bảo tồn tốt nhất thiên nhiên hoang dã của mình không?
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân: Singapore là một nước nhỏ bé, chỉ bằng diện tích của 4 quận nội thành Hà Nội trước đây, nhưng chính phủ vẫn dành 5% quỹ đất cho cây xanh và bảo tồn. Với 150ha rừng tự nhiên ít ỏi, các loài hoang dã vẫn được bảo tồn nguyên vẹn trong sinh cảnh tự nhiên của chúng.
Người dân Singapore không ai bắn, bắt, ăn thịt chim hay các loài hoang dã. Họ hiểu rằng, chim hoang dã có vai trò sinh thái rất quan trọng trong việc diệt trừ sâu bọ phá hoại nhà nông, thụ phấn cho hoa kết trái, duy trì cấu trúc hệ sinh thái rừng không chỉ ở Singapore mà trên toàn hành tinh.
Singapore đã rất thành công xây dựng một xã hội nơi luật pháp được mọi người tuân thủ và thực thi pháp luật nghiêm minh.
Bên cạnh những tòa nhà hiện đại là vườn cây với đa dạng các loài hoang dã quý hiểm như Hồng Hoàng, sáo, vẹt… bạn có thể chiêm ngưỡng hệ động vật phong phú và giàu có gần như còn nguyên vẹn với các "cư dân" bản địa, "cư dân" di cư cùng chung sống và điều tiết quần thể trong môi trường tự nhiên của chúng ở Khu Bảo tồn Đầm lầy Sungei Buloh, một hòn đảo nhỏ ở phía Tây Bắc.
Có địa vị và giàu có, song nhận thức về bảo tồn còn nhiều hạn chế
Dù thế nào các nhà hàng, các đường dây buôn bán, những người săn bắn, bẫy bắt chim trời vẫn tồn tại nhiều ở thời điểm chúng ta đang nói chuyện. Vậy theo phân tích của WWF, làm sao để nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về vấn đề này?
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân: Đã có những đánh giá về hiệu quả của các chiến dịch truyền thông nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD ở Việt Nam.
Kết quả của những đánh giá này cho rằng hiệu quả hạn chế do thông điệp truyền thông, kênh truyền thông chưa phù hợp, chưa phủ đủ rộng, đủ sâu đến các đối tượng cần truyền thông.
Theo các nghiên cứu gần đây về hành vi người tiêu dùng thì đối tượng sử dụng chính là những người có tiền, có quyền, có địa vị xã hội song nhận thức về bảo tồn và vai trò của các loài hoang dã trong tự nhiên còn hạn chế.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng các sản phẩm từ các loài hoang dã không có nguồn gốc từ Việt Nam đối với họ là vô can, họ không trực tiếp giết các loài có nghĩa không đẩy chúng đến tuyệt chủng.
Việc sử dụng, buôn bán của họ chưa bị xã hội kỳ thị, tẩy chay, hay bị đánh giá về đạo đức. Ngược lại, một bộ phận không nhỏ xã hội còn cổ súy cho họ tự hào về sự giàu có của mình, coi việc sở hữu ngà voi, sừng tê giác là sang chảnh, chỉ có bậc vua chúa xưa kia mới có đủ tiền và quyền sử dụng như vậy.
Với các sản phẩm nội địa như các loài chim hoang dã, thú hoang dã bắt bẫy từ các VQG, khu bảo tồn, vẫn được giới có tiền sử dụng đãi "khách" để bôi trơn công việc làm ăn của họ, hoặc thể hiện sự sang chảnh giàu có rằng có tiền mới dùng hàng độc, hàng xịn hoang dã.
Số đông người dân cũng chưa nhận thức được vai trò của chim hoang dã trong hệ sinh thái và vẫn ăn thịt, phá tổ của chúng.
Thói quen này không có lợi cho thiên nhiên, đặc biệt trong bối cảnh đa dạng sinh học đang suy giảm nghiêm trọng, những thói quen như thế này cần được thay đổi.
Theo bà, trước ngổn ngang các vấn đề "tận diệt chim trời" như vậy, điều cần làm nhất vào lúc này là gì?
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân: Sự vào cuộc của các nhà khoa học, giới báo chí sẽ là đòn bẩy cho xã hội phát triển.
Chúng ta đã có "cây gậy vàng" là Chỉ thị 29/2020 của TTCP để các ngành các cấp cùng vào cuộc, nhưng để hiệu triệu người dân, cần có tiếng nói của các nhà lãnh đạo.
Đã đến lúc cần phát động một chiến dịch toàn quốc về bảo vệ ĐVHD, không ăn thịt ĐVHD đặc biệt là các loài có nguy cơ tuyệt chủng, vì sự phát triển bền vững của chính chúng ta và thiên nhiên.
WWF sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các cuộc hội thảo, gặp gỡ giữa các nhà báo, nhà bảo tồn, nhà quản lý và nhà khoa học để tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội.
Một kiến nghị mạnh mẽ với các chứng cứ thuyết phục cần được gửi tới lãnh đạo cao nhất của đất nước, để quyết định một vấn đề quan trọng – Bảo vệ nguồn tài nguyên ĐVHD của đất nước khỏi bị tuyệt chủng, trước khi quá muộn.
Xin chân thành cảm ơn bà và WWF!
WWF luôn ủng hộ về kỹ thuật và tài chính cho các hoạt động của các tổ chức xã hội, các cá nhân có những sáng kiến bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam và của cả hành tinh. WWF luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng các quyết sách nhằm đảo ngược tốc độ mất đa dạng sinh học và mang lại một tương lại nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.