Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: "Các ngân hàng đang cạnh tranh khốc liệt với nhau"
Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: "Các ngân hàng đang cạnh tranh khốc liệt với nhau"
Nhật Minh
Thứ bảy, ngày 08/10/2022 19:44 PM (GMT+7)
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay các ngân hàng đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất 0.5%. Chưa kể các ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn khi giữa những định hướng, quyết sách, Nghị định của Nhà nước đi vào thực tế có một khoảng cách rất xa.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank tại tọa đàm:"Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó", diễn ra ngày 8/10.
Định hướng, quyết sách của Nhà nước đi vào thực tế có một khoảng cách rất xa
Khi doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, có lợi nhuận thì sự phân phối hài hòa giữa doanh nghiệp, người lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, Nhà nước đồng hành, hỗ trợ rất cụ thể, như những chính sách thuế, rồi hỗ trợ người lao động, và gần đây là có chính sách hỗ trợ lãi suất.
Nhắc lại những chia sẻ và định hướng của Thủ tướng Chính phủ như kể trên, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, các ngân hàng thương mại, không riêng gì Sacombank luôn luôn xác định đồng hành cùng khách hàng dựa trên sự khó khăn của nền kinh tế, cân đối giữa lợi nhuận, hy sinh một phần lợi nhuận, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp khó khăn do dịch.
Trong giai đoạn dịch, ngân hàng là những đơn vị đầu ngành, Sacombank phải cơ cấu để hạn chế và xử lý nợ xấu. Đặc biệt, khi cơ cấu nợ Sacombank phải trích lập dự phòng, có những gói lãi suất cho vay ưu đãi, đưa ra những chính sách miễn giảm phí. Sacombank phải đồng hành cùng doanh nghiệp theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ.
Như năm 2021, Sacombank đã hy sinh gần 3.000 tỷ lợi nhuận khi chia sẻ và đồng hành từ hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí, miễn giảm lãi vay… và ủng hộ phòng, chống dịch.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ cũng đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất như: Nghị định 31, Thông tư 03; áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ lãi suất, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ mức 2%. Hiện nay cũng đã phân hạn mức đó cho các ngân hàng áp dụng và tìm ra những đối tượng khách hàng phù hợp, đưa chính sách hỗ trợ giảm lãi suất này xuống cho doanh nghiệp.
Như vậy chúng ta thấy, những định hướng xuyên suốt của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước đều được các ngân hàng, trong đó có Sacombank ủng hộ và hưởng ứng.
Tuy nhiên, bà Diễm cũng lưu ý đến thực trạng là giữa những định hướng, quyết sách, Nghị định của Nhà nước đi vào thực tế có một khoảng cách rất xa.
"Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chính phủ lấy gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ nhưng doanh nghiệp họ rất ngại tiếp cận với gói hỗ trợ lãi suất do điều kiện, thanh tra, hậu kiểm, rồi sau nhiều năm có khi lại sai phạm. Cho nên cần quan tâm, chú trọng hơn trong vấn đề giữa nghị định, chính sách và thực tế", Tổng Giám đốc Sacombank cho hay.
Đối với sự hỗ trợ, đồng hành cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, bà Diễm nghĩ rằng quan trọng nhất bây giờ, doanh nghiệp cần vốn nhưng room tín dụng có những hạn hẹp nhất định do phải điều tiết chính sách giữa lạm phát và điều hành kinh tế ổn định.
Vì vậy, Sacombank phải sàng lọc doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp tiêu dùng rồi cho vay cá nhân, cho vay online, cuối cùng mới tới bất động sản và trái phiếu.
Các ngân hàng phải cạnh tranh khốc liệt với nhau, cần tháo điểm nghẽn vốn cho bất động sản
Không chỉ doanh nghiệp, bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải đối mặt với những khó khăn trong thời gian qua. Chia sẻ về những khó khăn, theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đó là phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa phải chống dịch vừa phải vận hành doanh nghiệp của mình, vừa phải đồng hành cùng nền kinh tế.
Sacombank vừa phải duy trì lãi suất kinh doanh, vừa phải duy trì miễn giảm phí, giảm lãi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng phải đảm bảo tính thanh khoản ổn định duy trì suốt mùa dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Sacombank luôn luôn tuân thủ triển khai chính sách của NHNN và Chính phủ đưa ra. Chính vì vậy, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, ngành ngân hàng luôn luôn ổn định thanh khoản, nâng cao năng lực điều hành, quản trị để thích ứng nhanh với sự thay đổi, chăm lo tốt đời sống của cán bộ công nhân viên để vận hành hệ thống thanh khoản được tốt, thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp xu thế.
Cũng theo Tổng Giám đốc Sacombank, lĩnh vực đặc thù nên nhìn thấy ngay là khi Fed tăng lãi suất thì NHNN đã tăng và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian cuối năm. Đơn cử, trước đây Sacombank vay nước ngoài chỉ 3,4%, bây giờ một hợp đồng vay của nước ngoài ít nhất phải 7% đối với USD.
Thời gian vừa rồi, NHNN tăng lãi suất 0,5% thì lập tức các ngân hàng cũng phải tăng lãi suất huy động của người dân gửi. Như vậy, các ngân hàng phải cạnh tranh khốc liệt với nhau và chi phí đầu ra của ngân hàng cũng phải tăng.
Về các điểm nghẽn cần tháo gỡ, theo bà Diễm thứ nhất là phải giải quyết đồng vốn và thủ tục pháp lý cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Vì lĩnh vực này rất hạn chế nhưng nếu không khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực này thì nền kinh tế của chúng ta sẽ rất khó phát triển.
Điểm nghẽn thứ hai là hành lang pháp lý đối với công tác chuyển đổi số.
"Đối với những công ty tài chính, đối với những ứng dụng công nghệ, chúng tôi rất cần những hành lang pháp lý để ổn định trong quá trình phát triển hệ thống" Tổng Giám đốc Sacombank nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.