Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi các sở ban ngành liên quan về việc triển khai thực hiện dự án Vành đai 3 TP.HCM. Theo đó, UBND thành phố chấp thuận mô hình chỉ đạo thực hiện dự án theo đề nghị của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT).
Cụ thể, tổ công tác dự án Vành đai 3, Vành đai 4 (tổ công tác Chính phủ) do TP.HCM thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ chỉ đạo các vấn đề quan trọng, mang tính chất liên tỉnh và Bộ ngành Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện đến khi hoàn thành dự án.
Đồng thời, thành lập Ban chỉ huy dự án Vành đai 3 do TP.HCM là cơ quan thường trực ban chỉ đạo để điều hành giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Cùng với đó, thành lập Ban Chỉ đạo dự án của TP.HCM để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề phát sinh cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện các dự án thành phần của TP.HCM. Đây cũng là cơ quan đầu mối, trao đổi, phối hợp với Tổ Công tác Chính phủ giải quyết các vướng mắc chung cho toàn dự án, các vấn đề có tính chất liên tỉnh như kỹ thuật, vật liệu, chính sách bồi thường…
Để đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3, TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục bố trí vốn cho dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Lãnh đạo TP.HCM cũng giao UBND TP.Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi khẩn trương triển khai các công tác phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ. Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các dự án thành phần trên địa bàn thành phố.
Trao đổi về tiến độ thực hiện dự án, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết đã chủ động phối hợp Sở GTVT các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An, các sở ngành của thành phố và Ban Giao thông để nghiên cứu đề xuất phương thức chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện dự án.
Để đẩy nhanh việc thực hiện dự án, Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất một số nội dung. Trong đó, có các cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo có những sáng kiến, giải pháp mang lại hiệu quả cho dự án; cơ chế giải quyết nhanh thủ tục hành chính các hồ sơ liên quan đến dự án; bố trí cán bộ đủ năng lực, chuyên trách theo dõi xuyên suốt trong quá trình thực hiện để giải quyết hồ sơ..
Kiến nghị thành lập Hội đồng cố vấn dự án với các chuyên gia có kinh nghiệm trong quản lý, am hiểu các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, vật liệu xây dựng, công nghệ, tổ chức thi công, đấu thầu...
Hội đồng cố vấn sẽ tư vấn cho Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy dự án các nội dung liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, nhận diện các vướng mắc có thể phát sinh để kịp thời tham mưu chỉ đạo, điều hành.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dự án nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, sẽ áp dụng phần mềm quản lý thông tin công trình (phần mềm BIM) và phần mềm ứng dụng quản lý hồ sơ dự án. Từ đó, giúp Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy theo dõi, nắm bắt tiến độ, khối lượng thực hiện, chỉ đạo giải quyết các công việc vướng mắc, đáp ứng tiến độ dự án.
Dự án Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp vừa qua. Ở giai đoạn một, tuyến được đề xuất đầu tư dài hơn 76 km, 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương. Trong đó, tổng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng làm dự án khoảng 41.600 tỷ đồng, TP.HCM có kinh phí lớn nhất với hơn 25.600 tỷ đồng. TP.HCM và các địa phương đặt mục tiêu khởi công Vành đai 3 vào cuối năm 2023, cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025, hoàn thiện toàn bộ và vận hành vào 2026.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.