TP.HCM: Hơn 14.000 căn nhà được phép mở bán, người dẫn vẫn "đỏ mắt" tìm nhà giá rẻ

Gia Linh Thứ hai, ngày 04/09/2023 11:15 AM (GMT+7)
Trong khi nhu cầu nhà giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền với người dân ngày một gia tăng, TP.HCM vẫn tiếp tục khan hiếm, thậm chí gần như "tuyệt chủng" phân khúc nhà ở này.
Bình luận 0

Chật vật tìm nhà giá rẻ tại TP.HCM

Gần 8 năm qua, chị Mỹ Hảo (36 tuổi, quê Hà Tĩnh) cùng gia đình vẫn phải sống trong căn nhà trọ chỉ rộng 20m2 tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Với đồng lương công nhân ít ỏi của 2 vợ chồng, chị Hảo chấp nhận sống tạm bợ cảnh ở nhà thuê, mong dành tiền tiết kiệm và vay thêm ngân hàng để mua được 1 căn nhà để an cư.

Con cái càng lớn dần, nhu cầu sở hữu 1 chỗ ở ổn định rộng rãi hơn càng lớn nên vợ chồng chị Hảo cũng quyết tâm vay mượn họ hàng, cùng với số tiền tích lũy nhiều năm qua để mua nhà. Với tài chính eo hẹp, chị dự định mua chung cư giá từ 1,5 tỷ trở xuống chứ không đủ khả năng mua nhà.

TP.HCM: Hơn 14.000 căn nhà được phép mở bán, người dẫn vẫn phải "đỏ mắt" tìm nhà giá rẻ - Ảnh 1.

Người lao động chật vật tìm nhà ở vừa túi tiền tại TP.HCM. Ảnh: Gia Linh

"Tuy nhiên khi tìm hiểu, tôi ngỡ ngàng khi mặt bằng chung giá nhà tại TP.HCM vượt quá tầm với của mình. Chung cư tại TP.HCM giá trung bình phải từ 2,8 tỷ trở lên và không có dự án nào dưới 2 tỷ chứ đừng mong mức giá 1,5 tỷ như tôi mong muốn. Dù tôi có chấp nhận mua dự án cũ, thậm chí xuống cấp thì cũng không có mức giá dưới 2 tỷ. Tình hình này, chúng tôi đành phải ở trọ thêm 1 thời gian rồi tính tiếp", chị Hảo cho hay.

Trường hợp khách anh Tấn Thành (32 tuổi, tài xế xe công nghệ) cũng cho biết khá đau đầu vì câu chuyện tìm mua nhà. Theo đó, anh Thành vừa kết hôn nên muốn tìm mua nhà để vợ chồng ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, với khả năng tài chính của 2 vợ chồng, suốt 3 tháng qua anh Thành vẫn chưa tìm được căn nhà nào vừa túi tiền.

 "Tôi dự định nếu tìm thêm một thời gian vẫn chưa được thì sẽ dạt về khu vực Bình Dương, giáp ranh TP.HCM cũng được. Vay ngân hàng mua dự án căn hộ 1 phòng ngủ cũng được rồi từ từ khi nào dư giả thì vợ chồng tôi đổi sang nhà 2 phòng ngủ", anh Thành nói.

Thực tế, trong nhiều năm qua, thị trường nhà ở TP.HCM có tình trạng lệch pha cung – cầu, giá nhà liên tục leo thang khiến phân khúc nhà ở bình dân dần sụt giảm và rơi vào tình trạng tuyệt chủng.

TP.HCM: Hơn 14.000 căn nhà được phép mở bán, người dẫn vẫn phải "đỏ mắt" tìm nhà giá rẻ - Ảnh 3.

Nhà giá rẻ tuyệt chủng tại TP.HCM trong các tháng đầu năm 2023. Ảnh: Gia Linh

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, 8 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã cấp phép cho 14 dự án với 14.286 căn nhà đủ điều kiện huy động vốn nhà ở hình thành trong tương lai. Trong đó, có 13.033 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà ở thấp tầng. Tổng giá trị cần huy động vốn là 146.615,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số 14.286 căn nhà đủ điều kiện bán thì có 9.235 căn thuộc phân khúc cao cấp (các sản phẩm có giá bán trên 40 triệu đồng/m2, chiếm tỷ lệ 64,64%); 5.051 căn còn lại thuộc phân khúc trung cấp (sản phẩm có giá bán dao động từ 20 – 40 triệu đồng/m2). Riêng nguồn cung nhà ở có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 gần như tuyệt chủng trên thị trường.

Như vậy, thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục vắng bóng các phân khúc nhà ở trung cấp, bình dân, nguồn cung chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp (chiếm 64,64%).

Thiếu nguồn cung làm giá nhà tại TP.HCM leo thang

Ghi nhận thực tế của Dân Việt, trong bối cảnh khó khăn về pháp lý, một số dự án hiếm hoi được tung ra thị trường TP.HCM trong thời gian qua đều có giá bán đều trên 35 triệu/m2. Có thể kể đến, dự án Glory Heights với giá bán từ 48,5 - 59,7 triệu/m2; dự án The Crest Residence với giá bán từ 134,5 - 199,8 triệu/m2; dự án 9X An Sương có giá bán dao động từ 35,5 - 45,6 triệu/m2; dự án Elysian Lò Lu có giá dao động từ 49,5 - 60,3 triệu/m2; dự án Avatar Thủ Đức từ 56,3 - 75,7 triệu/m2...

TP.HCM: Hơn 14.000 căn nhà được phép mở bán, người dẫn vẫn phải "đỏ mắt" tìm nhà giá rẻ - Ảnh 4.

Các dự án mở bán trên thị trường thời gian qua đều có mức giá khá cao. Ảnh: Gia Linh

Các chuyên gia đánh giá, trong 5 năm trở lại đây, giá nhà ở trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng liên tục tăng. Một số địa bàn bị giới đầu nậu, môi giới làm giá, thổi giá tạo ra các đợt "sốt giá" ảo.

Một số khác là vì các chủ đầu tư liên tục chạy theo lợi nhuận, tăng giá bán để nâng tầm phân khúc bất động sản đơn vị đang phát triển. Nhiều dự án nhà ở được gắn mác cao cấp nhưng thực tế chất lượng công trình, dịch vụ tiện ích đi kèm chưa tương xứng.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết một trong những nguyên nhân khiến giá nhà ở tại TP.HCM leo thang là vì nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu thật, thị trường không bền vững. 

Theo đó, vướng mắc lớn nhất dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở trong những năm gần đây là các quy định pháp luật còn chồng chéo và thủ tục hành chính mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, các chủ dự án gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng và phát hành trái phiếu... cũng khiến nguồn cung thị trường sụt giảm, giá bán nhà ở leo thang. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem