Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sau nhiều hội nghị, hội thảo bàn về việc phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương để TP xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM.
Về lý do tại sao muốn phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM đang là một đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, dù chỉ chiếm chưa đến 10% dân số và chưa đến 1% diện tích cả nước nhưng các năm qua, TP.HCM đã đóng góp khoảng 23% GDP, khoảng 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước, chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán và sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư mạo hiểm, kiều hối.
Về tiềm năng nguồn nhân lực, năng suất lao động của TP.HCM đạt khoảng 293 triệu đồng/lao động/năm, gấp 2,7 lần năng suất lao động cả nước, cùng với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng được đào tạo và làm việc trong các lĩnh vực tài chính và liên quan như kế toán, kiểm toán, trọng tài, luật sư…
Hơn nữa, mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn TP.HCM hiện vào loại cao nhất so với các địa bàn khác. Lãnh đạo TP.HCM cho rằng nhu cầu hoạt động tài chính ở TP.HCM rất lớn, là điều kiện tốt để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai.
Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM sẽ tạo ra các nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam, kéo theo là sự phát triển của hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ như bảo hiểm, quản lý rủi ro, quản lý tài sản…
Lãnh đạo TP.HCM cũng chỉ ra TP đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển trung tâm tài chính.
Theo đó, TP.HCM chỉ cách khoảng 3h bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Đồng thời, Việt Nam ở múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế "riêng có và đặc biệt" trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.
Theo UBND TP.HCM, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, đồng thời với các bất ổn chính trị tại trung tâm tài chính Hong Kong đã hình thành xu hướng dịch chuyển các dòng tài chính khỏi các quốc gia này. Các tổ chức tài chính cũng đang tìm kiếm địa điểm mới ở các nước khác tại châu Á.
Với làn sóng này, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong các nền kinh tế mới nổi châu Á, nhờ chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu có bước cải thiện vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu thế giới, độ mở của nền kinh tế vào nhóm cao nhất cùng sự hội nhập quốc tế ở mức cao.
Do đó, UBND TP.HCM cho rằng TP.HCM đang đứng trước cơ hội để hiện thực hoá khát vọng xây dựng một trung tâm tài chính quan trọng trong nước, rộng ra là khu vực và quốc tế.
Trong văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương để TP.HCM xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, lãnh đạo TP cũng đưa ra đề xuất 3 giai đoạn của việc hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Cụ thể, trong ngắn hạn sẽ hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia với các hoạt động đa dạng và tiềm năng tiếp nhận thêm nhiều hàng hóa, phát triển các loại thị trường tài chính, dịch vụ hỗ trợ theo chuẩn mực quốc tế.
Trong trung hạn, định hướng trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, có quy mô tập trung lớn.
Về dài hạn, TP kỳ vọng với nền tảng thị trường tài chính cấp quốc gia cùng với các chính sách, quy định pháp luật mang tính đặc thù, trung tâm tài chính TP.HCM sẽ cạnh tranh so với các trung tâm tài chính khác.
Theo đó, TP.HCM sẽ thu hút được nhiều nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, tổ chức kinh tế hàng đầu không chỉ trong nước mà còn ở khu vực và quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.