TP.HCM: Tăng cường xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp
TP.HCM: Tăng cường xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp
Quang Sung
Thứ ba, ngày 29/11/2022 10:26 AM (GMT+7)
TP.HCM phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt trên 90% cơ sở sản xuất tham gia chuỗi sản phẩm được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, được sử dụng mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu tổng quát của chương trình là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động nghiên cứu thị trường. Hình thành và phát triển vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa kênh tiêu thụ, ứng dụng và phát triển đa dạng hóa các hình thức sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, theo chuỗi giá trị thị trường trong nước và quốc tế.
Sự kiện xúc tiến thương mại Lễ hội văn hóa, ẩm thực và du lịch huyện Củ Chi năm 2022 có gần 100 gian hàng, trong đó có sự góp mặt của nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Quang Sung
Đồng thời phát triển nông nghiệp gắn với thế mạnh sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP của từng địa phương. Liên kết xúc tiến thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong cả nước để tạo chuỗi cung ứng lưu thông hàng hóa ổn định, an toàn, chất lượng đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, trong công tác đào tạo nhân lực, UBND TP.HCM đặt mục tiêu tổ chức hoạt động đào tạo, hội thảo diễn đàn trên nền tảng công nghệ số về các hoạt động xây dựng thương hiệu, tư vấn, chứng nhận sản phẩm, chứng nhận OCOP, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, đổi mới phương thức tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao kiến thức hội nhập quốc tế để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố và cả nước.
Theo đó, TP.HCM phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt trên 90% cơ sở sản xuất tham gia chuỗi sản phẩm được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, được sử dụng mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Có trên 90% sản phẩm đạt chứng nhận về tiêu chuẩn OCOP cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.
Có khoảng 60% doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được tham gia các hoạt động thương mại điện tử để phát triển thị trường tiêu thụ. Trên 90% sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp thông qua công cụ trực tuyến, sử dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu sản phẩm.
Về những hạn chế của công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua, UBND TP.HCM đánh giá, các sản phẩm OCOP đang có sức tiêu thụ ổn định trên thị trường, tuy nhiên các đơn vị sản xuất tại các địa phương chưa thực sự đẩy mạnh cho công tác chứng nhận nhóm sản phẩm này. Các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy đối với các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, phân hạng còn nhiều hạn chế, yếu điểm, đặc biệt là hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức. Việc quản lý sản phẩm sau khi được công nhận chưa quy định cụ thể nhằm tạo động lực cho các chủ thể tham gia.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thương mại điện tử vào các khâu sản xuất - kinh doanh chưa được phổ biến, chủ yếu các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn theo phương hướng truyền thống. Các cơ sở sản xuất thường gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, kênh phân phối hiện đại, thương mại điện tử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.