Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, qua 1 tháng thực hiện chương trình kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực thực phẩm tại TP, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực thương mại điện tử, logistics đã cùng đồng hành, đưa hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm thiết yếu đến tay người dân trên địa bàn.
Theo thống kê, nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Sendo… đều tham gia tổ chức bán rau củ quả, thực phẩm cho người dân với sản lượng lên đến hơn 100 tấn mỗi ngày. Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho rằng kênh mua sắm trực tuyến trong giai đoạn giãn cách xã hội đã phát huy hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.
Về kênh bán hàng lưu động, đến nay, Thành phố (TP) đã tổ chức được 1.635 điểm bán hàng với trên 2.000 lượt xe hàng hóa lưu động phân bổ đến các quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Ban đầu, các chuyến xe lưu động chỉ là chiếc xe tải thông thường được cải tiến để mang hàng hóa phục vụ người dân. Đến nay, chương trình đã nhân rộng và triển khai thành nhiều mô hình mới, sáng tạo, linh hoạt hơn để phục vụ tốt nhất nhu cầu trên cơ sở đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm, Sở Công Thương TP.HCM còn huy động các nguồn lực xã hội, kết nối doanh nghiệp trong các lĩnh vực thương mại điện tử, logistic có đủ khả năng và điều kiện cùng tham gia vào chuỗi cung ứng linh hoạt thông qua việc trưng dụng hệ thống bưu cục, phương tiện vận chuyển, nhân lực của các công ty bưu chính.
Các cửa hàng bán lẻ được chuyển đổi công năng tạm thời thành điểm bán lương thực cho người dân với nhiều mặt hàng, giá cả bình ổn.
Theo ông Vũ, thời gian cao điểm, TP có hơn 1.000 điểm bán mỗi ngày, đảm bảo không bị ngắt đoạn các chuỗi cung ứng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đến người dân. Hiện chương trình đang được tổ chức với quy mô phù hợp do tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân đã được ổn định từ số lượng đến chất lượng và giá cả cung ứng.
Sở Công Thương TP.HCM cũng đánh giá tình hình Covid-19 phức tạp khiến chuỗi cung ứng hàng hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là khi hơn 2/3 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối đều đang tạm ngưng hoạt động để phòng dịch. Điều này khiến áp lực mua sắm đổ dồn lên kênh mua sắm hiện đại là siêu thị và cửa hàng thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch.
Do đó, trong lúc này, TP.HCM đang tích cực thúc đẩy mở lại các điểm bán thực phẩm tại chợ tạm đóng, hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn. Đồng thời, tăng hình thức bán hàng lưu động lẫn các hình thức linh hoạt như mua hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.