Tránh việc mang thai hộ bị lợi dụng thành đẻ thuê

Thứ sáu, ngày 15/11/2013 11:00 AM (GMT+7)
Một chế định mới trong dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) là cho phép mang thai hộ vì mục tiêu nhân đạo đã được các đại biểu Quốc hội bàn thảo sôi nổi chiều 14.11.
Bình luận 0
Cho ý kiến trước nội dung mới mẻ trên của dự án luật, đa phần các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhất trí và đánh giá cao về mặt chủ trương.

Tuy nhiên, cùng với đó, các ý kiến đại biểu cũng thống nhất rằng, cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện để được mang thai hộ, dự liệu những hậu quả phát sinh từ việc mang thai hộ, tránh để mục tiêu tốt đẹp, nhân đạo bị lợi dụng thương mại hóa thành đẻ thuê.

ĐB Phạm Văn Giòn (TP HCM) cho rằng: “Trên thực tế việc mang thai hộ đã có rồi, chúng ta nên luật hóa để tránh phát sinh những vấn đề không hay”.

imgẢnh minh họa từ internet

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng cho rằng, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với việc cho phép mang thai hộ vì thực tế mang thai hộ hiện vẫn diễn ra chưa có kiểm soát được.

“Giả sử người nhờ mang thai hộ không muốn nhận con khi đứa trẻ khi đẻ ra có vấn đề về sức khỏe, bị khuyết tật thì tính sao? Nếu người mang thai hộ sinh đôi, sinh ba trong khi người nhờ chỉ nhận một trẻ thì giải quyết thế nào? Trường hợp người mang thai hộ không trả con thì xử lý ra sao?” – ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) đưa ra các giả thiết.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng cần làm rõ quyền lợi của người mang thai hộ và của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.

“Chẳng hạn người mang thai hộ bị bệnh hoặc do thai sản mà nguy hiểm đến tính mạng thì sao. Trong trường hợp thai dị tật người gửi thai không nhận, vậy làm thế nào bảo vệ người mang thai hộ và đứa bé. Sau khi sinh người mang thai hộ được nghỉ thai sản vậy bà mẹ nhận con có được nghỉ để nuôi con và hưởng các chế độ của bảo hiểm hay không?”- ĐB Khá nêu ý kiến.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) nêu vấn đề: Trong chế định mang thai hộ, nội dung mới chỉ quan tâm đến vấn đề làm cha, làm mẹ. “Cần phải nghiên cứu làm sao đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ ra đời từ việc mang thai hộ, bởi nó rất nhiều hệ lụy. Rủi ro cho đứa trẻ đề nghị phải nghiên cứu”- ĐB Tâm băn khoăn.

Tham dự thảo luận ở Đoàn đại biểu Quôc hội TP HCM với tư cách là khách mời, ông Dương Đăng Huệ - Trưởng ban biên soạn dự án Luật hôn nhân và gia đình (Bộ Tư pháp) bày tỏ quan điểm nhất trí với việc phải tìm ra thêm cơ chế để đảm bảo tính chặt chẽ.

Ông Huệ đã nêu ra một số cơ chế ví dụ như phải là người thân cho mang thai hộ cũng là để tránh thương mại hóa, mỗi người chỉ được mang thai hộ một lần, việc mang thai hộ được hay không còn phải qua khám xét, có kết luận của bác sĩ, còn thỏa thuận về việc mang thai hộ để giằng buộc hai bên…

“Đây đang mới là giai đoạn lấy ý kiến đại biểu lần 1, dự thảo luật sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện thêm” – ông Huệ cho biết.
Ngọc Lương (Ngọc Lương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem