Triển lãm 32 tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam: Thăng hoa với chất liệu sơn mài truyền thống
Triển lãm 32 tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam: Thăng hoa với chất liệu sơn mài truyền thống
Ngọc Mi
Thứ bảy, ngày 14/12/2024 11:27 AM (GMT+7)
Với đề tài khá phong phú từ hoa lá, phong cảnh, tĩnh vật và trừu tượng, triển lãm của họa sĩ Nguyễn Hải Nam trưng bày 32 tranh sơn mài được khai mạc vào lúc 17h30 ngày 17/12 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Trong những ngày cuối năm 2024, họa sĩ Nguyễn Hải Nam tổ chức triển lãm trưng bày các tác phẩm về những khu vườn mơ mộng. Trong tranh, anh khắc họa hình ảnh những thiếu nữ đang mơ màng cùng hoa lá, cỏ cây... Các chi tiết trong tranh qua nét vẽ của họa sĩ sinh năm 1973 không thật mà biến ảo. Hoa cỏ và con người như hòa vào nhau thành một thực thể sống cùng phát triển theo mạch chuyển của cảm xúc.
Chia sẻ với Dân Việt, họa sĩ Nguyễn Hải Nam cho biết, đây là kết quả từ hơn 10 năm sáng tác của mình. Một số tranh được họa sĩ dùng hình của quạt giấy sắp xếp theo nhịp điệu. Trên những hình mảng của những chiếc quạt giấy, họa sĩ Nguyễn Hải Nam đưa vào tràn ngập hoa lá, gió mây… Tổng thể tác phẩm gợi cho người xem mơ về những ngày xưa cũ. Những ký ức, hoài niệm như được khơi dậy qua những màu sắc trầm, hình nét bay bổng.
Theo họa sĩ Nguyễn Hải Nam, sơn mài là chất liệu dân gian được người Việt và châu Á sử dụng trong việc làm đồ dùng đồ mỹ nghệ hay trong kiến trúc từ rất lâu đời. Nhiều thế hệ thầy trò trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Việt Nam) tìm tòi sáng tạo đưa sơn mài vào làm thành một chất liệu trong sáng tác nghệ thuật.
Sơn mài truyền thống (sơn ta) là một chất liệu khá khó sử dụng với kỹ thuật vẽ nhiều lớp, kết hợp với dát kim loại như vàng, bạc và chỉ khô trong môi trường ẩm. Tác phẩm hoàn thiện qua nhiều lần vẽ, dát vàng, dát bạc rồi mài, rồi lại vẽ lớp tiếp theo… Quá trình sáng tác chỉ dừng lại khi người nghệ sĩ thấy đạt được hiệu ứng bóng, phẳng, sâu, các lớp màu hòa quyện, ẩn hiện thể hiện đúng dụng ý nghệ thuật.
"Vì yêu cầu cao về kỹ thuật như vậy nên người mới sử dụng chất liệu sơn mài có thể có nhiều lúng túng và gò bó. Tuy nhiên, hiệu quả sau quá trình mài và vẻ đẹp tự thân của chất liệu tạo nhiều sức hút cho người vẽ và cho người thưởng thức", họa sĩ Nguyễn Hải Nam cho hay.
Triển lãm 32 tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam là dịp để công chúng thưởng thức vẻ đẹp của sơn mài truyền thống. (Ảnh: NVCC)
Họa sĩ sinh năm 1973 cũng chỉ ra điểm lưu ý khi sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống (sơn ta) khi bản thân vẻ đẹp của chất liệu này đã là một lợi thế. Đó là nếu họa sĩ quá sa đà vào yếu tố chất liệu, kỹ thuật, thì dễ bỏ rơi cảm xúc. Tác phẩm có nguy cơ sẽ rơi vào phô diễn tay nghề, kỹ thuật mà đánh mất đi sự tươi mới, tình cảm sâu lắng hay những nét mơ mộng, thể hiện cá tính, cái tôi riêng của người nghệ sĩ.
Đến với không gian triển lãm các tác phẩm sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam dịp cuối năm 2024, khán giả có thể thấy được sự cân bằng khéo léo giữa yếu tố chất liệu, kỹ thuật và cá tính của tác giả. Mỗi bức tranh của họa sĩ Nguyễn Hải Nam biểu đạt sự phóng khoáng, bay bổng của cảm xúc.
Là người yêu thích những tác phẩm tranh của họa sĩ 7x, Phạm Kiều Trang (33 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: "Mỗi lần ngắm bức tranh "Giấc trưa hè", "Hoa chuối rừng", "Vườn thu"... chắc hẳn mang đến cho mỗi người cảm xúc như được sống chậm lại, cảm nhận thật sâu lắng những vẻ đẹp vừa quen, vừa lạ của cuộc sống thường ngày".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.