Chủ đề nóng
Trình tự sửa đổi Hiến pháp được tiến hành thế nào?
Trình tự sửa đổi Hiến pháp
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, Điều 119 Hiến pháp 2013 quy định: Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý. Hiện nay, Quốc hội đang tiến hành trình tự sửa đổi Hiến pháp 2013.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định.
Như vậy, Hiến pháp là đạo luật gốc do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chính sách kinh tế, xã hội; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Không chỉ có Việt Nam mà các quốc gia đều quy định Hiến pháp là đạo luật gốc do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc Hội, Nghị viện) ban hành, quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị, chế độ chính sách về kinh tế xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, là cơ sở để thể chế hóa thành các văn bản luật do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Bởi vậy, sau khi sửa Hiến pháp thì sẽ sửa Luật tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật khác có liên quan để quy định lại về cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng cho phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng trong tình hình mới, đảm bảo bộ máy Nhà nước được vận hành một cách có hiệu quả, hiệu lực để đạt được mục tiêu kinh tế xã hội mà trung ương đã đề ra.
Ông Cường cho biết, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, chính quyền ở địa phương chia làm 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định, cụ thể là Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi năm 2025.
Hiện nay, trung ương đang đề xuất về việc đơn vị hành chính ở địa phương chỉ tổ chức thành 2 cấp là cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức chính quyền địa phương cấp huyện.
Nếu quan điểm này được trung ương đồng thuận thông qua thì phải sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật tổ chức chính quyền địa phương và một số văn bản pháp luật khác có liên quan.
Việc sửa đổi Hiến pháp sẽ căn cứ vào quy định tại Điều 120 Hiến pháp 2013. Cụ thể, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp.
Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.
Thời hạn công bố, thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp do Quốc hội quyết định.
Như vậy, trình tự sửa đổi Hiến pháp cơ bản sẽ được tiến hành qua các bước như trên.
Trình tự sửa đổi Hiến pháp:
Thứ nhất, đề xuất sửa đổi Hiến pháp: Chủ tịch nước; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ; 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên
Thứ hai, Quốc hội quyết định chủ trương sửa đổi: Cần ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý
Thứ ba, Thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Thứ tư, tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo quyết định của Quốc hội
Thứ năm, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi
Thứ sáu, Quốc hội biểu quyết thông qua sửa đổi Hiến pháp, cần ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tán thành
Thứ bảy, Công bố Hiến pháp sửa đổi

Quốc hội sẽ thực hiện trình tự sửa đổi Hiến pháp 2013. Ảnh: quochoi.vn
Lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp trong tháng 5/2025
Trước đó, ngày 24/3, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Dự thảo báo cáo về công tác hoàn thiện thể chế phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là cuộc họp lần thứ 2, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội cho ý kiến về 2 nội dung này. Bởi đây là nội dung quan trọng, cần được bàn thảo kỹ lưỡng, thận trọng. Theo đó, những vấn đề đã chín, đã rõ mà được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì sẽ tổng hợp đưa vào dự thảo.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo yêu cầu của Bộ Chính trị, hạn gửi về Văn phòng Trung ương rất gấp, khẩn trương để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình Hội nghị Trung ương 11 dự kiến vào đầu tháng 4/2025.
Đặc biệt, tính chất, nội dung công việc rất hệ trọng, khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức gắn với chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: "Về yêu cầu phải thận trọng sửa đổi Hiến pháp, nhưng khách quan, dân chủ, khoa học và có hiệu quả, đòi hỏi quy trình, thủ tục chặt chẽ, đảm bảo chất lượng trên cơ sở đổi mới tư duy đột phá".
Trong đó, về cơ chế đảm bảo sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học quản lý và lấy ý kiến nhân dân. Thời gian lấy ý kiến nhân dân trong 1 tháng và tổng hợp trong 5 ngày.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung công việc hệ trọng, khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, gắn với chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật
Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm về hàng loạt vi phạm trong thực hiện quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội và TP.HCM
Bộ Xây dựng khi lập dự án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đã thuê tư vấn nước ngoài mà không lập kế hoạch đấu thầu, không trình duyệt, không thẩm định nhiệm vụ quy hoạch. Dự án còn chậm tiến độ đến 28 tháng. Đây là hàng loạt vi phạm của Bộ Xây dựng trong giai đoạn 2015-2022 vừa bị Thanh tra Chính phủ công bố.