"Trớ trêu" người nghèo ở Bình Định: Không thể nhận hỗ trợ xây nhà… vì không có đất
"Trớ trêu" người nghèo ở Bình Định: Không thể nhận hỗ trợ xây nhà… vì không có đất
Dũ Tuấn
Thứ năm, ngày 30/11/2023 07:10 AM (GMT+7)
"Nhiều trường hợp khó khăn về nhà ở nhưng không có đất để xây, hoặc nhà ở dột nát trên đất nông nghiệp, không đủ điều kiện để xây nhà. Vậy nên, nhà nước có hỗ trợ, thì họ cũng không thể xây dựng", Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định nói vướng mắc và đề nghị Thường trực Tỉnh uỷ gỡ điểm nghẽn giúp người nghèo.
"Nhiều trường hợp rất khó khăn, không giải quyết được sẽ có lỗi với dân"
Câu chuyện nghịch lý trên được bà Nguyễn Thị Phong Vũ – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định, nhắc đến tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 (khóa XX) do Tỉnh ủy Bình Định vừa tổ chức, với nhiều trăn trở, suy nghĩ.
Bắt đầu từ cuối năm 2020, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định đã phối hợp với các cơ quan có liên quan, nhằm khảo sát đánh giá tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn và phân tích nguyên nhân vì sao nghèo?.
Từ đó, cơ quan này đã chủ trì tổ chức hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ cho các đối tượng này thoát nghèo.
Bà Phong Vũ đánh giá, việc này đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần vào việc chung, đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Bình Định.
Tuy nhiên, khi "đi sâu, đi sát" vào thực tế thì chính sách này, lại nảy sinh những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhà ở, đất ở.
Theo bà Phong Vũ, chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo do Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định phát động, từ cuối năm 2019 đến nay, đã hỗ trợ gần 100 tỷ đồng để thực hiện. Riêng năm 2023, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa khoảng 600 căn nhà.
"Tuy nhiên, còn rất nhiều trường hợp khó khăn về nhà ở nhưng không có đất để xây, hoặc nhà ở dột nát trên đất nông nghiệp, không đủ điều kiện để xây nhà. Vậy nên, nhà nước có hỗ trợ, thì họ cũng không thể xây dựng"", bà Phong Vũ nói.
Ngoài ra, bà Phong Vũ cho biết, liên quan đến sinh kế, cần hỗ trợ tư liệu sản xuất (con giống…) để người dân tự sản xuất, thoát nghèo nhưng có những trường hợp không có đất sản xuất, thì cũng không thể hỗ trợ được.
"Những vấn đề này rất khó để giải quyết, chúng tôi đề xuất trong năm 2024 Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì Hội nghị chuyên đề riêng về vấn đề này để tháo gỡ điểm nghẽn như hiện nay, để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt là xây dựng nhà ở cho hộ nghèo", bà Phong Vũ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định cho rằng, đối với việc hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, tới đây Thường trực Tỉnh uỷ sẽ có cuộc làm việc, nghe báo cáo cụ thể về tình hình này để xử lý.
Về chủ trương thông qua Hội đồng, năm 2024 tỉnh Bình Định sẽ bố trí hơn 60 tỷ để cơ bản giải quyết hết nhà ở cho hộ nghèo, với hơn 2.000 trường hợp nhưng lại đang vướng pháp lý về đất đai.
"Việc này cần nghiên cứu các quy định để tháo gỡ, giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo. Nếu không làm được sẽ có lỗi với người dân, bởi nhiều trường hợp rất khó khăn, nếu không tháo gỡ thì không giải quyết được", Bí thư Dũng nói.
"Mặt bằng sạch thi công cao tốc, không còn đường lùi nữa, đây là thời điểm cuối cùng"
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, năm 2023, Bình Định lọt top đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, đứng thứ 9 cả nước và đứng thứ 2 khu vực miền Trung.
Hai việc quan trọng nhất cần làm trong giải ngân vốn đầu tư công, là công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng.
"Riêng công tác chuẩn bị đầu tư, vừa rồi UBND tỉnh trình ra HĐND nhưng theo quy định của luật, thì một số dự án chưa được chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư thì chưa có thể bố trí vốn được, vì vậy việc này phải được đẩy nhanh.
Dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư thì không có cơ sở bố trí vốn, nếu bố trí không đúng, sau này thanh tra, kiểm toán sẽ có ý kiến, vậy nên việc này phải làm chặt chẽ", Bí thư Dũng cho hay.
Vẫn theo Bí thư Dũng, vấn đề giải phóng mặt bằng Bí thư, Chủ tịch các địa phương phải có trách nhiệm vào cuộc.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định nêu rõ quan điểm, từ nay đến cuối năm, nếu không hoàn thành việc giải phóng mặt bằng sạch phục vụ cao tốc Bắc – Nam, thì bắt buộc phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.
"Không còn đường lùi nữa, đây là thời điểm cuối cùng. Trường hợp nào chây ì không chấp hành, cần đưa ra cái mốc để lập hồ sơ cưỡng chế, không thể cứ mãi dùng biện pháp tuyên truyền", Bí thư Dũng lưu ý.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm bản lề để chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XXI, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024 là rất nặng nề, trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, không ít khó khăn tác động đến tình hình thực hiện nhiệm vụ.
Vì vậy, Bí thư Dũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, căn cứ vào kế hoạch, chỉ tiêu của tỉnh đặt ra trong năm 2024, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương.
Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, những việc cần làm ngay để chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.