Trong 3 năm, ngành lâm nghiệp xuất siêu 39,23 tỷ USD, lần đầu tiên thu gần 1.000 tỷ từ dịch vụ lưu giữ carbon

K.Nguyên Thứ ba, ngày 27/02/2024 14:39 PM (GMT+7)
Tại Hội thảo “Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới”, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị đề nghị các đại biểu nêu giải pháp, khuyến nghị để hạn chế, giảm thiểu tác động tiêu cực và nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược trong giai đoạn mới.
Bình luận 0

Xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 15,8 tỷ USD/năm

Ngày 27/02/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Hội Chủ rừng Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới". 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị; nguyên Thứ trưởng, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn; Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo dự và chủ trì hội thảo.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngành lâm nghiệp đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng trên tất cả các mặt: kinh tế, an sinh xã hội và môi trường. 

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các giải pháp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng và tổ chức, phát triển sản xuất lâm nghiệp đã được triển khai toàn diện, đồng bộ.

Nhờ đó, giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp đạt bình quân 4,6%/năm, đạt 92% kế hoạch đề ra; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 15,8 tỷ USD/năm, đạt 88% kế hoạch. 

Ngành lâm nghiệp đã có đóng góp đáng kể vào tỷ lệ xuất siêu của ngành nông nghiệp với con số xuất siêu năm 2021 đạt 12,94 tỷ USD; năm 2022 đạt 14,10 tỷ USD; năm 2023 ước đạt 12,199 tỷ USD. 

Đáng chú ý, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, năm 2023 đã thu được 4.130 tỷ đồng, trong đó có 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, thực hiện chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp.

Trong 3 năm, ngành lâm nghiệp xuất siêu 39,23 tỷ USD, lần đầu tiên thu gần 1.000 tỷ từ dịch vụ lưu giữ carbon- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại Hội thảo "Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới". Ảnh: B.Thắng.

Theo ông Triệu Văn Lực, nhờ tác động của Chiến lược, công tác phát triển rừng cũng có nhiều bước tiến. Giai đoạn 2021-2023, diện tích trồng rừng tập trung bình quân đạt 260.400 ha/năm. Diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 136.000 ha/năm. Sản lượng khai thác gỗ giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân khoảng 32 triệu m3, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và thị trường lâm sản. 

Về diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, lũy kế đến hết năm 2023, cả nước hiện có 465.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đạt 93,0% mục tiêu về diện tích đến năm 2025 (500.000 ha). Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định ở mức 42,02%.

Tuy nhiên, ông Triệu Văn Lực cho rằng, quá trình thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp cũng còn những tồn tại, khó khăn như quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ. Công tác giao rừng, thuê rừng còn chậm triển khai. 

Việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai các quy định pháp luật, quy hoạch lâm nghiệp, các cơ chế, chính sách còn chậm, chưa đáp ứng được thực tiễn. Năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp. Việc trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn. Chậm đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, sắp xếp công ty lâm nghiệp. Mức hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng và chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng còn quá thấp, chưa thật sự tạo động lực cho bảo vệ và phát triển rừng. Ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng còn khó khăn. Nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư, bổ sung ngân sách cho bảo vệ và phát triển rừng. 

Trong 3 năm, ngành lâm nghiệp xuất siêu 39,23 tỷ USD, lần đầu tiên thu gần 1.000 tỷ từ dịch vụ lưu giữ carbon- Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo.

Tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp

Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA), để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, cần quản lý và sử dụng có hiệu quả trên 3,4 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp đang được UBND cấp xã quản lý, bảo vệ bằng được diện tích rừng hiện có và phát triển rừng; giải quyết thiếu đất sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc tại chỗ. 

"Cần xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phục hồi 3,4 triệu ha rừng theo phương thức hợp tác quản lý rừng phù hợp cho từng loại rừng như: giao đất, giao rừng cho cộng đồng để thực hiện quản lý rừng cộng đồng; giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân; giao đất, giao rừng cho các ban ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp và khuyến khích thực hiện hình thức hợp tác, liên kết với cộng đồng quản lý rừng; tăng cường quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác", ông Ngãi nói. 

Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD, tỷ lệ xuất siêu cao. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, năm 2023 đã thu được 4.130 tỷ đồng, trong đó có 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng.

Nhìn về những vấn đề đặt ra đối với ngành lâm nghiệp nhằm thực hiện có hiệu quả quy định mới của Luật Đất đai 2024, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch sử dụng đất theo 3 cấp: cả nước, cấp tỉnh và cấp huyện. Phân bổ hợp lý quỹ đất cho phù hợp với yêu cầu sử dụng đất và quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.

Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của các chủ thể có nhu cầu sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Bổ sung đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Mở rộng đối tượng là tổ chức kinh tế, cá nhân được nhận chuyển nhượng, cho thuê đất lâm nghiệp phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng vùng, miền.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Tiến, cần đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất lâm nghiệp. Khuyến khích tích tụ, tập trung đất để phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp tập trung quy mô lớn. Sử dụng đất lâm nghiệp đa mục đích nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời hoàn thiện cơ chế thu hồi đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Đất đai. Việc thu hồi đất lâm nghiệp phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng đất, Nhà nước, nhà đầu tư và được tiến hành một cách minh bạch và công khai.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá kết quả, nhận diện các tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược; đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược trong bối cảnh mới, đặc biệt chú trọng đến đề xuất hoàn thiện, bổ sung Luật Lâm nghiệp, xây dựng các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các rào cản, khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; đề xuất giải pháp huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp bền vững; các hoạt động tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, các đơn vị triển khai các hoạt động chiến lược, phát triển lâm nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem