Trồng lúa hữu cơ ở Bạc Liêu kiểu gì mà chưa gặt đã có người đòi mua, lại còn nuôi tôm sú to bự?
Trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm sạch ở Bạc Liêu, nông dân khỏe, thu nhập tốt hơn hẳn
Lê Thái- Châu Pha (Hội ND Bạc Liêu)
Thứ ba, ngày 21/03/2023 12:47 PM (GMT+7)
Nhằm tiến tới xây dựng sản phẩm lúa gạo đạt tiêu chuẩn an toàn, chuyển đổi từ trồng lúa theo kiểu truyền thống sang trồng lúa hữu cơ, Hợp tác xã Quyết Thắng xã Vĩnh Lộc huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) đã trồng thử nghiệm giống lúa CX30. Diện tích thử nghiệm là 15 ha đối với 15 hộ theo hướng trồng lúa hữu cơ...
Bước đầu ghi nhận mô hình trồng lúa hữu cơ kết quả rất khả quan, năng suất lúa đạt 6 tấn/ha, giá lúa hữu cơ bán cao hơn lúa thường từ 500 đồng mỗi ký.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu)-ông Nguyễn Văn Chiến (ngoài cùng bên phải) kiểm tra mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Lộc Ninh. Ảnh: Châu Pha
Thấy được hiện quả từ mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, vụ lúa năm nay, 60 hộ dân ở các ấp Tà Suôl, Phước Hòa và Kinh Xáng của xã Lộc Ninh và ấp Phước Thọ Hậu của xã Phước Long huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) tham gia hợp tác xã với diện tích lên đến 100 ha.
Vụ lúa năm nay, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nông nghiệp Hữu cơ Long An ký hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm lúa hữu cơ cho nông dân.
Một trà lúa hữu cơ đang sinh trưởng và phát triển tốt tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu- ảnh: Châu Pha
Bên cạnh đó, Công ty còn cung cấp giống và phân bón cho nông dân. Hàng tháng theo định kỳ, công ty đều đặn đến lấy mẫu đất và nước để đánh giá các thành phần.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Tổng, Giám đốc hợp tác xã Quyết Thắng, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân nói: “Hôm rồi tôi cũng mới ký với các công ty theo ước tính lợi nhuận khoảng 35 triệu/ha. Bà con trong hợp tác xã rất phấn khởi. Trong quá trình làm công ty cung ứng hết từ giống, thuốc bảo vệ thực vật đến cuối vụ mới thanh toán. Phương thức vậy nông dân rất phấn khởi”.
Theo kinh nghiệm nông dân ở đây cho biết: Muốn lúa đạt năng suất cao thì phải chọn giống lúa ở địa phương phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng, phải sử dụng kỹ thuật cải tạo đất thật kỹ để tạo nguồn dinh dưỡng và vi sinh cho lúa.
Ưu điểm lớn nhất của sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sẽ tạo điều kiện tốt nhất để nông dân thả nuôi vụ tôm sau khi thu hoạch lúa theo mô hình nuôi tôm quảng canh.
Một trong những nông dân trực tiếp sản xuất mô hình ông Võ Đăng Đức, Ấp Tà Suôl, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết thêm: “Mình làm theo cách cũ riết cằn cỗi đất hết, thêm ảnh hưởng đến tôm sú, tôm thẻ trong ao vuông, khó khăn lắm. Còn bây giờ làm lúa hữu cơ đến cuối vụ xong bơm nước vô cải tạo nước xong tiến hành thả vật nuôi xuống vuông thì ổn thôi. Tôi đã làm 2 năm rồi hiệu quả lắm”.
Vụ lúa năm rồi gia đình ông Võ Đăng Đức ở ấp Tà Suôl xã Lộc Ninh trồng thử nghiệm giống lúa CX30 theo hướng hữu cơ năng suất đạt 1 tấn mỗi công tầm cấy. Nếu so với lúa thường thì lợi nhuận lúa sản xuất theo hướng hữu cơ cao hơn 20 triệu đồng mỗi ha do giảm được chi phí, rất ít dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giá bán cao hơn nên người dân có lời nhiều hơn.
Đồng thời vụ tôm kế tiếp gia đình ông Đức thả 300.000 con tôm thẻ sau khi thu hoạch trừ chi phí ông còn lãi 30 triệu đồng mỗi ha.
Mô hình lúa CXT30 tại xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) năm 2022. Ảnh- Châu Pha
Hiện trà lúa hữu cơ được 40 ngày tuổi, phát triển rất tốt, nông dân đang áp dụng kỹ thuật phơi mặt ruộng để bộ rễ lúa bám sâu vào tránh đổ ngã khi thu hoạch, đồng thời kỹ thuật này cũng làm hạn chế lúa mọc mầm trên cây nếu gặp thời tiết có độ ẩm cao. Hầu hết nông dân đều rất phấn khởi do hợp tác xã đã ký kết với công ty thu mua với cam kết mức lãi từ 35 triệu/ha.
Đã trực tiếp sản xuất và đem lại hiệu quả thiết thực, ông Nguyễn Văn Biển, Ấp Tà Suôl, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) vui mừng nói: “ Bà con xung quanh người ta thấy hiệu quả của mô hình trồng lúa hữu cơ từ từ người ta cũng áp dụng theo. Từ đó, nhân rộng từ từ lên. Nếu nông dân tin tưởng thì mô hình trồng lúa ngày càng được mở rộng. Thực tế trong thời gian qua đã chứng minh”.
Chuyển đổi từ phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp hiện đại là một hướng đi bền vững, bước đầu đã tạo sự đồng thuận của nông dân.
Ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ đã giúp người nông dân ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) yên tâm sản xuất, từng bước chuyển đổi nhận thức sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành và tham gia hợp tác tự nguyện.
Mô hình trồng lúa hữu cơ góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo, hướng đến sản xuất sản phẩm an toàn cho sức khỏe sẽ tạo động lực để nông dân tiếp tục mở rộng diện tích. Đây là tiền đề để thực hiện các mô hình sản xuất lúa hữu cơ vào những vụ mùa tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.