Trồng ngô sinh khối trên ruộng thiếu nước ở Quảng Trị, 3 tháng lãi 25 triệu đồng/ha

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 19/08/2022 18:19 PM (GMT+7)
Trên các chân ruộng bị thiếu nước, khô hạn vào vụ Hè – Thu, thay vì bỏ hoang đất cho cỏ mọc như mọi năm, giờ đây nông dân Quảng Trị liên kết với doanh nghiệp, trồng ngô sinh khối, đem lại thu nhập cao.
Bình luận 0

Trồng trên đất thiếu nước

Chiều 19/8, Trung tâm Khuyến nông – Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị và Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước vụ Hè – Thu sang trồng ngô sinh khối liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Trồng ngô sinh khối trên ruộng thiếu nước, 3 tháng lãi 25 triệu đồng/ha - Ảnh 1.

Cán bộ, nhân dân thăm mô hình ngô sinh khối tại xã Phong Bình, huyện Gio Linh. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tham dự hội nghị có Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Công Hoạt - Trưởng phòng trồng trọt, Bộ Khoa học Công nghệ; Phó giáo sư, tiến sĩ Lã Tuấn Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Tài nguyên thực vật Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn; chính quyền các địa phương và đặc biệt là đông đảo bà con nông dân.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết có nhiều thay đổi, ảnh  hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Vụ Hè – Thu nhiều diện tích ở các địa phương không đủ nước tưới nên phải bỏ hoang hoặc trồng lúa hiệu quả thấp.

Theo số liệu thống kê, hàng năm, vụ Hè - Thu toàn tỉnh Quảng Trị có gần 2.000 ha đất lúa không đủ nước tưới để sản xuất.

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế đất đai, vụ Hè - Thu năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã thực hiện mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước, liên kết với Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon) để tiêu thụ sản phẩm.

Trồng ngô sinh khối trên ruộng thiếu nước, 3 tháng lãi 25 triệu đồng/ha - Ảnh 2.

Trồng ngô sinh khối liên kết 3 nhà: Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao tại Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.

Mô hình được triển khai ở 2 xã Phong Bình (5ha/25 hộ) và Linh Trường (5ha/40 hộ), thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Được gieo trồng vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, đến nay ngô đã đến ngày thu hoạch. Năng suất trồng ngô sinh khối ở xã Phong Bình đạt 65 tấn/ha, còn ở xã Linh Trường do một số yếu tố bất lợi, năng suất đạt 55 tấn/ha.

Khi nông dân thu hoạch, Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị thu mua toàn bộ sản lượng ngô sinh khối nguyên cây, nguyên bắp tại ruộng với giá 1.000 đồng/kg.

Theo tính toán, sau 3 tháng trồng, chăm sóc, trừ tất cả chi phí, mỗi ha ngô sinh khối nông dân lãi từ 15 - 25 triệu đồng.

Sẽ mở rộng diện tích

Anh Hồ Văn Quyết (SN 1980, thôn Ba De, xã Linh Trường, Gio Linh) cho biết, thôn có 104 hộ dân nhưng có đến 54 hộ nghèo. Thường niên, cứ vào vụ Hè – Thu ruộng lúa đều bỏ hoang cho cỏ mọc vì thiếu nước tưới, không thể sản xuất. Phụ nữ ở thôn, người khoẻ thì dầm mưa dãi nắng làm nghề bóc vỏ cây tràm để kiếm tiền. Những người già yếu thì chỉ biết ở nhà, thất nghiệp.

Trồng ngô sinh khối trên ruộng thiếu nước, 3 tháng lãi 25 triệu đồng/ha - Ảnh 3.

Nông dân miền núi xã Linh Trường thu hoạch ngô sinh khối, lãi 15 triệu đồng/ha. Người dân tin tưởng trồng vụ thứ 2 sẽ có năng suất, thu nhập cao hơn. Ảnh: N.V

Vì vậy, khi nghe Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị và Tổng công ty Thương mại Quảng Trị triển khai mô hình trồng ngô sinh khối, 32 hộ dân thôn Ba De đã đăng ký tham gia, nay đã có thu nhập khá cao.

"Trồng ngô sinh khối việc nhẹ hơn, phụ nữ, người già, trẻ em đều làm được nên bà con rất phấn khởi. Cảm ơn Trung tâm khuyến nông tỉnh và công ty đã cho chúng tôi công việc, kiếm ra tiền" – bà Hồ Thị Hoa (SN 1954, thôn Ba De) nói.

Ông Lê Nhật Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Linh Trường cho biết, nhiều năm qua chính quyền địa phương đã triển khai nhiều loại cây chống hạn nhưng chưa hiệu quả. Chỉ khi trồng ngô sinh khối mới mang lại thu nhập cáo. Vì vậy, đây là hướng đi đúng, đem lại công việc, giúp xoá đói giảm nghèo cho người dân.

Trồng ngô sinh khối trên ruộng thiếu nước, 3 tháng lãi 25 triệu đồng/ha - Ảnh 4.

Ông Lê Nhật Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Linh Trường mong muốn được hỗ trợ, tăng diện tích để người dân có thu nhập. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Bùi Ngọc Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết, hiệu quả mô hình trồng ngô sinh khối đã được khẳng định. Vì vậy, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ vận động bà con nông dân mở rộng diện tích để tăng thu nhập.

Ông Trần Cẩn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, mô hình trồng ngô sinh khối thành công nhờ sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền địa phương, đặc biệt là Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Không những cho nông dân ứng trước phân hữu cơ Sepon để bà con thực hiện mô hình, công ty còn cử cán bộ phối hợp làm việc với các địa phương kiểm tra, theo dõi định kỳ, ấn định thời gian thu hoạch, tổ chức thu mua sản phẩm cuối vụ, nên bà con yên tâm sản xuất.

Trồng ngô sinh khối trên ruộng thiếu nước, 3 tháng lãi 25 triệu đồng/ha - Ảnh 5.

Ông Phạm Công Hoạt - Trưởng phòng trồng trọt, Bộ Khoa học Công nghệ đánh giá cao mô hình trồng ngô sinh khối ở Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo ông Cẩn, mô hình trồng ngô sinh khối trên ruộng thiếu nước mở ra hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, đồng thời tạo bước đột phá mới trong cơ cấu giống cây trồng, phù hợp với đất đai, khí hậu, mùa vụ, làm tăng hệ số sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, vận động chính quyền, nông dân mở rộng quy mô, sản lượng ngô sinh khối để tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Phạm Công Hoạt - Trưởng phòng trồng trọt, Bộ Khoa học Công nghệ đánh giá cao hiệu quả của mô hình trồng ngô sinh khối ở huyện Gio Linh và khuyến cáo chính quyền, doanh nghiệp và nông dân cần liên kết chặt chẽ, mở rộng diện tích canh tác, đảm bảo đầu ra, thu nhập.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem