Trung Quốc mua sầu riêng cuống dày, dáng tròn, gai ngắn, loại quả đặc sản này của Việt Nam đáp ứng đến đâu?

Nguyễn Phương Thứ hai, ngày 17/06/2024 13:26 PM (GMT+7)
Kinh tế Trung Quốc không tốt lắm, người tiêu dùng lại ngày càng nâng cao tiêu chí lựa chọn với mặt hàng sầu riêng như: Cuống dày, dáng tròn và gai ngắn, còn lại không quan tâm sản phẩm đến từ quốc gia nào. Sầu riêng Việt cần nắm bắt để đẩy mạnh xuất khẩu...
Bình luận 0

Đầu tuần ngày 17/6, giá sầu riêng Thái và Ri6 tiếp tục ổn định 

Ngày đầu tuần 17/6, giá sầu riêng Ri6 và sầu Thái duy trì ổn định, giá cao nhất ở miền Tây Nam bộ và ở Đông Nam bộ và thấp nhất ở Tây Nguyên. Sầu riêng Ri6 hàng đẹp đứng ở mức cao nhất là 65.000 đồng/kg. Giá sầu riêng Thái tại khu vực miền Đông Nam bộ đứng mức cao nhất là 95.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá sầu riêng hôm nay tại khu vực miền Tây Nam bộ: Chủng sầu riêng Ri6 đẹp và sầu riêng Ri6 xô đạt 48.000 – 65.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 đẹp đứng ở mức 63.000-65.000 đồng/kg; sầu riêng Thái đẹp ở mức 94.000 – 95.000 đồng/kg; sầu riêng Thái xô ở mức 75.000 – 77.000 đồng/kg.

Giá sầu riêng hôm nay tại khu vực miền Đông Nam bộ: Giá sầu riêng Ri6 đẹp và sầu riêng Ri6 xô có mức giá thương lái thu mua 48.000 – 65.000 đồng/kg; sầu riêng Thái đẹp ở mức 94.000 -95.000 đồng/kg; trong khi đó sầu riêng Thái xô đứng ở mức 75.000 – 77.000 đồng/kg.

Giá sầu riêng hôm nay tại khu vực Tây Nguyên: Giá sầu riêng Ri6 đẹp và sầu riêng Ri6 xô ở mức giá thương lái mua 48.000 – 63.000 đồng/kg; sầu riêng Thái đẹp có mức 90.000 - 92.000 đồng/kg; trong khi đó sầu riêng Thái xô ở mức 71.000 – 72.000 đồng/kg.

Trung Quốc mua sầu riêng cuống dày, dáng tròn, gai ngắn, loại quả đặc sản này của Việt Nam đáp ứng đến đâu?- Ảnh 1.

Thời gian qua, ngành sầu riêng Thái Lan gặp khó khăn về thời tiết nên khó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của thị trường Trung Quốc.

Các chuyên gia ngành hàng xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đánh giá, hiện kinh tế tại Trung Quốc không tốt lắm, người tiêu dùng lại ngày càng nâng cao tiêu chí lựa chọn với mặt hàng sầu riêng như: Cuống dày, dáng tròn và gai ngắn, còn lại người tiêu dùng thị trường này không quan tâm sản phẩm đến từ quốc gia nào.

Chính vì sự biến động thị trường diễn ra liên tục đối với bất kỳ ngành hàng nào, bao gồm cả trái sầu riêng, nên để trái sầu riêng có thể giữ vị thế xuất khẩu và phát triển bền vững, đòi hỏi các mắt xích trong ngành hàng phải có sự gắn kết chặt chẽ với nhau.

Thời gian qua, ngành sầu riêng Thái Lan gặp khó khăn về thời tiết nên khó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, mùa trồng trọt ở tỉnh Chanthaburi, một trong những vùng sản xuất sầu riêng chính của Thái Lan, thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Tuy nhiên, nhiệt độ địa phương đã dao động quanh mức 40 độ C trong nhiều tuần và hạn hán sau đó gây ảnh hưởng đến cây sầu riêng. 

Thời tiết nắng nóng khiến những quả sầu riêng chưa hái bị tách ra trên cây. Một số hộ dân đã phải mua nước để tưới cho trang trại, dẫn đến chi phí tưới tiêu cao. Sầu riêng được định giá dựa trên trọng lượng và kích thước, nhưng nhiệt độ cao đã đẩy nhanh quá trình chín, khiến sầu riêng có kích thước và chất lượng kém.

Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã có các giải pháp hỗ trợ nông dân trồng sầu riêng ở phía Đông nước này khi hạn hán kéo dài đang đe dọa làm hỏng vụ sầu riêng tại khu vực. Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan có nhiệm vụ cung cấp nước cho các trang trại; trong khi Cục Khuyến nông được yêu cầu hướng dẫn để giúp nông dân đối phó với điều kiện khô hạn.

Theo Cục Khuyến nông Thái Lan, việc thu hoạch sầu riêng đã bị ảnh hưởng khiến lượng sầu riêng đáp ứng cho nhu cầu của thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam đã và đang tận dụng khá tốt cơ hội này. Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu sầu riểng của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn liên tục tăng mạnh. 

Cụ thể: Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu quả sầu riêng tươi (mãHS 08106000) của Trung Quốc đạt 202,5 nghìn tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, giảm 35,2% về lượng và giảm 32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá sầu riêng tươi nhập khẩu trung bình trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 5.394,6 USD/tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước nay, Thái Lan vốn là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn nhất cho Trung Quốc, tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc từ thị trường này giảm mạnh. Tỷ trọng nhập khẩu sầu riêng tươi từ Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2024 giảm xuống còn 60% trong tổng lượng nhập khẩu, giảm 26,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc trong giai đoạn này giảm một phần vì tình trạng nắng nóng và hạn hán đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Đáng chú ý, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ thị trường Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024, đạt 79,3 nghìn tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91,% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu, tăng 25,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. 

Trung Quốc thay đổi thị hiếu cũng là cơ hội cho sầu riêng Việt

Cho đến thời điểm nay, sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này. 

Sầu riêng cũng là chủng loại quả xuất khẩu chính trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu của Việt Nam. Việc đẩy mạnh xuất khẩu chủng loại trái cây này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu chủng loại quả của Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm 2024.

Theo thông tin từ Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt hơn 800 triệu USD, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Chính vì sự tăng trưởng xuất khẩu vượt trội của trái sầu riêng, đã đẩy giá sầu riêng tăng vọt, từ 55.000 đồng đến 60.000 đồng/kg (năm 2021) lên 115.000 đồng/kg đến 145.000 đồng, thậm chí có thời điểm lên 230.000 đồng/kg trong năm 2022 và 2023.

Trung Quốc mua sầu riêng cuống dày, dáng tròn, gai ngắn, loại quả đặc sản này của Việt Nam đáp ứng đến đâu?- Ảnh 2.

Sầu Việt ngon, giá thành cạnh tranh, vận chuyển thuận lợi sẽ "ghi điểm" được ở thị trường này.

Ông Đặng Phúc Nguyên-Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, thị trường Trung Quốc thay đổi thị hiếu cũng là một cơ hội cho sầu riêng Việt Nam, bởi họ quan tâm chất lượng chứ không quan tâm quá nhiều tới nguồn gốc quốc gia nào trồng. Sầu Thái đã quá quen thuộc còn sầu riêng Việt Nam mới là mới mẻ với người tiêu dùng Trung Quốc. Sầu Việt ngon, giá thành cạnh tranh, vận chuyển thuận lợi sẽ "ghi điểm" được ở thị trường này.

Năm 2024, diện tích trồng sầu riêng cả nước tăng lên khoảng 150.000ha, sản lượng dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu tấn. Lợi nhuận 1 ha có thời điểm lên tới cả tỷ đồng. Hiệu ứng giá cao, tăng xuất khẩu cũng đang tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích sầu riêng. Việt Nam cần sớm tái cơ cấu ngành hàng này theo hướng chuỗi giá trị, tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng kênh tiêu thụ để xuất khẩu bền vững hơn, ông Nguyên cho biết.

Ngành sầu riêng cần liên kết những đơn vị có nhu cầu xuất khẩu gắn với vùng trồng để đảm bảo được hàng hóa nông sản cũng như trái sầu riêng được thu mua đúng ngay vùng trồng, đảm bảo chất lượng, yêu cầu của nước nhập khẩu và chúng ta nâng cao giá trị sản xuất cũng như lợi nhuận cho bà con nông dân khi tham gia mã số vùng trồng này.

Việc đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay, để sầu riêng Việt Nam đứng vững trên thị trường trước sức ép gay gắt từ Thái Lan, Malaysia. Trước tình trạng tăng trưởng "nóng" về diện tích sầu riêng ở nhiều tỉnh trong thời gian qua, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương rà soát lại các vùng trồng và quy trình canh tác sầu riêng. Đặc biệt, phải xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia mới cho trái sầu riêng tươi.

Trước sự biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, các hộ trồng sầu riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng sâu bệnh gia tăng và biến đổi phức tạp. Vì vậy, nâng cao nhận thức về việc trồng sầu riêng bền vững là rất cần thiết. Điều này bao gồm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm, nhằm giúp người nông dân hiểu rõ hơn về cách sử dụng các loại thuốc này.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hiện hồ sơ của hơn 700 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng đã được chuyển cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc thẩm định. Nếu được phê duyệt trong thời gian tới, VN sẽ có hơn 1.400 mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, khâu đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh cũng đã cơ bản hoàn tất chỉ chờ ngày ký. Nếu những việc này được triển khai sớm, cơ hội tăng trưởng của sầu riêng VN trong thời gian tới sẽ còn rất lớn.

Nếu được cấp thêm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và sầu riêng đông lạnh thì tổng xuất khẩu sầu riêng của VN trong năm nay có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Được biết, hiện thị trường nhập khẩu sầu riêng chính của Việt Nam là Trung Quốc với tỷ trọng chiếm đến 91,93% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 4 tháng đầu năm 2024. Ngoài ra, sầu riêng Việt Nam còn xuất sang Thái Lan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem