Trung Quốc tiếp tục tung “bàn tay sắt” mới trấn áp đào tiền mã hóa

Huỳnh Dũng Thứ sáu, ngày 24/09/2021 08:46 AM (GMT+7)
Thị trường đào tiền mã hóa tại Trung Quốc tiếp tục bị “bóp chặt”, khi chính quyền tiếp tục thực thi các chiến dịch truy quét các cơ sở đào tiền mã hóa, đặc biệt là bitcoin có ở tại quốc gia này.
Bình luận 0

Mới đây, Cơ quan quản lý mạng tỉnh Hà Bắc cho biết đã bắt đầu một chiến dịch đặc biệt, nhằm truy quét việc đào và giao dịch tiền mã hóa do nhiều lo ngại về môi trường, tài chính và an ninh quốc gia. Đây dường như là động thái mới nhất thể hiện quyết tâm của chính quyền Trung Quốc trong việc kiểm soát thị trường này.

Theo nội dung một bài đăng online mà Cơ quan quản lý mạng tỉnh Hà Bắc đăng tải thì chiến dịch này yêu cầu các cơ quan, công ty nhà nước liên quan phải kiểm tra hệ thống thông tin nhằm phát hiện và loại bỏ bất kỳ dấu hiệu nào sử dụng máy tính để đào tiền mã hóa trước khi tháng 9 kết thúc. 

Không chỉ dừng tại đó, các trường đại học và viện nghiên cứu cũng được ra lệnh thu nhỏ quy mô và mục đích sử dụng hệ thống máy tính về mức tối thiểu cần thiết cho mục đích học thuật, không dùng cho các mục đích đáng nghi nào khác.

Cơ quan quản lý mạng ở tỉnh Hà Bắc phía bắc Trung Quốc vừa cho biết, họ sẽ hợp tác với các cơ quan chính phủ để trấn áp hoạt động khai thác và kinh doanh tiền ảo. Ảnh: @AFP.

Cơ quan quản lý mạng ở tỉnh Hà Bắc phía bắc Trung Quốc vừa cho biết, họ sẽ hợp tác với các cơ quan chính phủ để trấn áp hoạt động khai thác và kinh doanh tiền ảo. Ảnh: @AFP.

Cơ quan quản lý mạng tỉnh Hà Bắc còn kêu gọi giới chức quản lý Internet và tài chính địa phương nên tăng cường thu thập báo cáo từ những người tiết lộ và công chúng. Từ tháng 10 trở đi, các cơ quan chính phủ có liên quan sẽ thường xuyên giám sát tình hình và xử phạt những người đào, giao dịch tiền mã hóa trái pháp luật.

Bên cạnh Cơ quan quản lý mạng tỉnh Hà Bắc, cơ quan giáo dục, công an, viễn thông và chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc tại địa phương cũng tham gia chiến dịch này.

Cơ quan quản lý mạng tỉnh Hà Bắc nhấn mạnh: "Khai thác tiền điện tử tiêu thụ một lượng lớn năng lượng điện. Điều này đi ngược lại với mục tiêu trung hòa carbon của Trung Quốc. Hoạt động trao đổi và giao dịch tiền ảo cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự tài chính quốc gia và rủi ro tài chính rất lớn… Sự gia tăng và lây lan của hoạt động này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia".

Không riêng gì Hà Bắc, chính quyền các tỉnh là các điểm đào bitcoin lớn trong đó bao gồm Tân Cương, Tứ Xuyên và Vân Nam đều đã cam kết sẽ quét sạch các trại đào bitcoin. Một số tỉnh khác bao gồm Nội Mông và Thanh Hải - 2 điểm đào bitcoin lớn thứ 5 và thứ 6 tại Trung Quốc cũng đã thực hiện các chiến dịch tương tự. Cam Túc, điểm đào bitcoin lớn thứ 7 bắt đầu chiến dịch truy quét từ tuần trước.

Động thái này song song với một chính sách chống tiền điện tử rộng rãi hơn ở Trung Quốc đã khiến hầu hết các cơ sở khai thác tiền điện tử của đất nước này buộc phải chuyển ra nước ngoài. Một số chuyên gia tin rằng, các "thợ đào tiền ảo" có khả năng sẽ chuyển đến vùng Bắc Mỹ và Trung Á, nơi giá điện rẻ và không có các quy định cấm đào tiền ảo, hoặc chuyển sang các hoạt động khai thác quy mô nhỏ hoặc vừa.

Trung Quốc sẵn sàng đóng băng tài khoản ngân hàng ngay lập tức nếu phát hiện giao dịch Bitcoin

Trong nỗ lực nhằm trấn áp các hoạt động giao dịch tiền số, vào tháng 6/2021 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã yêu cầu các ngân hàng trong nước phải kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động giao dịch liên quan tới tiền số.

PBoC nói rằng, họ đã triệu tập một cuộc họp với hàng loạt ngân hàng trong nước và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán gồm cả Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) thuộc sở hữu nhà nước, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc và Alipay.

Trung Quốc ngày càng mạnh tay khiến người đào Bitcoin lo sợ. Ảnh: @AFP.

Trung Quốc ngày càng mạnh tay khiến người đào Bitcoin lo sợ. Ảnh: @AFP.

PBoC nói rằng những hoạt động đầu cơ liên quan đến tiền số đã phá vỡ sự cân bằng của hệ thống tài chính Trung Quốc, tạo ra rủi ro về dòng vốn bất hợp pháp xuyên biên giới và rửa tiền. Tổ chức này cũng nhắc lại quan điểm năm 2017 của chính quyền Bắc Kinh về việc không tổ chức tài chính nào được cung cấp dịch vụ liên quan tới giao dịch tiền số.

Phía PBoC nói thêm rằng các tổ chức cần tiến hành rà soát kỹ tài khoản của khách hàng để xác định những người tham gia vào các giao dịch tiền điện tử và nhanh chóng cắt các kênh thanh toán của họ. PBoC cũng yêu cầu những đơn vị tham gia cuộc họp ngay lập tức phải cải thiện các thuật toán nội bộ để phân tích tốt hơn nhằm sớm phát hiện các giao dịch liên quan tới tiền số. 

Ngay sau tuyên bố của PBoC, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đồng thời phát đi thông báo nói rằng một khi các hành vi vi phạm bị phát hiện, họ sẽ đình chỉ giao dịch, đóng băng tài khoản ngân hàng, chấm dứt hợp đồng và báo cáo cho các cơ quan chức năng nước này ngay lập tức.

Vì đâu đào bitcoin bị "bóp chặt" tại xứ Trung?

Theo một số cơ quan quản lý mạng, việc đào tiền mã hóa làm tiêu tốn lượng lớn năng lượng và do đó đi ngược với mục tiêu giảm phát thải carbon của Trung Quốc. Thậm chí, việc trao đổi và giao dịch tiền mã hóa gây gián đoạn mạnh đến trật tự tài chính quốc gia, dẫn đến rủi ro cao về tài chính... Tiền mã hóa lan truyền rộng rãi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế xã hội và trực tiếp đe dọa an ninh quốc gia".

Sự suy tàn của ' cácthiên đường Bitcoin' tại Trung Quốc. Ảnh: @AFP.

Sự suy tàn của ' các thiên đường Bitcoin' tại Trung Quốc. Ảnh: @AFP.

Thực tế mà nói, việc chống lại tiền điện tử không phải là điều gì mới mẻ đối với Trung Quốc, vì trong nhiều năm qua họ đã phát đi tín hiệu muốn cấm Bitcoin. Năm 2013, nước này ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bên thứ ba ngừng sử dụng Bitcoin. Năm 2017, Bắc Kinh cấm hoạt động huy động vốn bằng tiền điện tử (ICO). Năm 2019, các cơ quan chức năng đại lục cam kết sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các sàn giao dịch tiền điện tử.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy, trong quá khứ Trung Quốc thường không tấn công dồn dập và quá mạnh tay vào ngành công nghiệp tiền điện tử. Nhưng lần này có vẻ mọi chuyện đã khác. Tháng 5/2021, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tuyên bố sẽ đàn áp hoạt động giao dịch và khai thác Bitcoin để ngăn chặn rủi ro tài chính. 

Tháng 6/2021, đã có những vụ bắt giữ hàng loạt ở đại lục đối với những người bị nghi ngờ sử dụng tiền điện tử bất hợp pháp. Cùng tháng đó, giới quản lý đã gây áp lực lên các ngân hàng và doanh nghiệp thanh toán để buộc họ ngừng cung cấp dịch vụ tiền điện tử. Được biết, Weibo đã đình chỉ các tài khoản thanh toán liên quan đến tiền điện tử. Thị trường tiền điện tử thế giới cũng không tránh khỏi việc bị rung chuyển bởi lệnh đàn áp từ Bắc Kinh. Như vậy, có thể thấy chính phủ Trung Quốc dường như đang làm mọi thứ có thể để các loại tiền điện tử biến mất khỏi hệ thống tài chính và kinh tế của quốc gia này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem