Trước năm 1996, Bồ Đào Nha là nền bóng đá kỳ dị

Thứ bảy, ngày 16/07/2016 15:00 PM (GMT+7)
Bóng đá đỉnh cao bây giờ được quyết định chủ yếu bởi tài năng, chiến thuật, hay các yếu tố trợ giúp? Câu trả lời an toàn nhất có lẽ là: phải gồm đủ những điều quan trọng ấy.
Bình luận 0

Hơn chục năm nay, Bồ Đào Nha có siêu sao Cristiano Ronaldo tỏa sáng ở đẳng cấp hàng đầu thế giới - bất quá chỉ có Lionel Messi là tranh chấp nổi vương miện cá nhân tầm cỡ hành tinh với Ronaldo.

Bồ Đào Nha có Jose Mourinho là tên tuổi gây chú ý nhiều nhất, được bàn đến nhiều nhất, sức ảnh hưởng đối với bóng đá đỉnh cao tầm CLB cũng mạnh nhất, trong làng huấn luyện.

img

Bồ Đào Nha thế hệ 2004.

Còn ở hậu trường, siêu đại diện Jorge Mendes chính là nhân vật có quyền lực nhất trong làng bóng chuyên nghiệp. Bảo ông chi phối các siêu CLB cũng chẳng phải là quá đáng. Không có Mendes, trật tự bóng đá đỉnh cao hiện nay chắc chắn đã phải khác đi rất nhiều.

Chỉ với khoảng chục triệu dân, Bồ Đào Nha chẳng bao giờ là một thị trường đáng kể. Về kinh tế, đây là đất nước vào loại nghèo nhất Tây Âu. Nhưng bóng đá Bồ Đào Nha lại có cầu thủ vĩ đại nhất, HLV nổi tiếng nhất, nhà đại diện quyền lực nhất châu Âu trong khoảng 20 năm nay.

Và, như chúng tôi đã nêu trong kỳ trước, đội tuyển Bồ Đào Nha cũng chính là đội có thành tích tốt nhất trên đấu trường EURO 20 năm nay - tính từ lúc VCK Euro được mở rộng, lên 16 đội.

Rất lạ. Trước năm 1996, Bồ Đào Nha chỉ được góp mặt đúng 1 lần ở VCK EURO (năm 1984), và cũng chỉ có đúng 1 lần họ được tham dự World Cup (năm 1966). Cứ như đấy chỉ là đội... lót đường. Nhưng, lót đường thế nào được, khi Bồ Đào Nha lọt vào bán kết ở cả EURO 1984 lẫn World Cup 1966!

Nói về EURO 1984 là phải nói về Michel Platini với kỳ tích ghi tới 9 bàn, về màn độc diễn của đội chủ nhà Pháp. Nhưng nói về EURO 1984 là phải nói đến 2 đội bóng khác đều để lại ấn tượng sâu đậm dù họ không nhất thiết cứ phải tranh chấp ngôi cao.

Một là đội tuyển Đan Mạch tuyệt vời của Soren Lerby, Preben Elkjaer Larsen, Morten Olsen, Michael Laudrup. Ngôi sao số 1 của họ là Allan Simonsen bị gãy chân ngay trận ra quân và Đan Mạch thua Pháp 0-1. Đội thứ hai là Bồ Đào Nha.

Tiền đạo Rui Jordao ghi cả 2 bàn, giúp Bồ Đào Nha dẫn Pháp 2-1 cho đến khi trận bán kết chỉ còn 6 phút cuối của hiệp phụ thứ 2. Cả hai bàn thắng của Jordao đều được kiến tạo bởi Fernando Chalana, một ngôi sao sáng của Euro 1984.

Vậy mà Pháp vẫn "bất ngờ" thắng ngược 3-2 trong những phút cuối cùng. Sau EURO 1984, Chalana sang Pháp khoác áo Bordeaux. Khi ấy, người ta đã xem Bordeaux là đội bóng có hàng tiền vệ xuất sắc nhất châu Âu (Chalana, Alain Giresse, Jean Tigana).

Trước năm 1984, World Cup 1966 là giải đấu đầu tiên và duy nhất mà Bồ Đào Nha góp mặt ở VCK. Họ tiến vào bán kết, và theo Eusebio thì BĐN phải dừng bước ở vòng bán kết chẳng qua vì FIFA cố làm mọi cách để tạo thuận lợi cho đội chủ nhà Anh.

Eusebio thì đâu cần phải giới thiệu nữa. Ông chính là huyền thoại bóng đá đầu tiên của Bồ Đào Nha, với "Quả Bóng Vàng châu Âu" năm 1965. Cựu HLV đội tuyển Việt Nam Henrique Calisto, trong một lần nói chuyện về nền bóng đá Bồ Đào Nha quê hương của ông, từng khẳng định: Eusebio mới là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá. Calisto nói vậy trong hoàn cảnh ông từng xem đủ Pele, Franz Beckenbauer, Bobby Charlton, Johan Cruyff... thi đấu trên sân!

Luôn để lại dấu ấn sâu đậm ngay lần đầu tiên dự một giải lớn, đấy là đặc điểm đáng kể đầu tiên của đội tuyển Bồ Đào Nha. Một đặc điểm khác: ấn tượng là ở chỗ, xem Bồ Đào Nha thi đấu, người ta luôn có cảm nhận rằng lẽ ra thành tích của đội tuyển này còn phải cao hơn những gì họ gặt hái trên thực tế.

Họ thua Anh 1-2 vì chịu bất lợi về nhiều mặt trước đội chủ nhà World Cup 1966, như vừa nêu. Họ khiến đội Pháp "bầm dập" cho đến cuối trận tại vòng bán kết EURO 1984. Họ thua Pháp, cũng ở vòng bán kết của kỳ EURO 2000, còn oan uổng hơn, tức tưởi hơn nữa.

Mà cũng lạ: cứ mỗi khi Bồ Đào Nha với dấu ấn sâu đậm phải dừng chân một cách đáng tiếc thì đội thắng họ có hẳn một lịch sử mới hoành tráng từ kết quả ấy. Với đội tuyển Anh, chức vô địch World Cup 1966 chính là thành tích quan trọng duy nhất trong lịch sử quê hương bóng đá.

Năm 1984, Platini và đồng đội cũng đem về cho nước Pháp chức vô địch lớn đầu tiên sau khi vất vả vượt qua Bồ Đào Nha ở bán kết. Đến năm 2000 thì Pháp của Zinedine Zidane trở thành đội đầu tiên trong lịch sử vô địch EURO khi đang giữ ngôi vô địch World Cup.

Bây giờ, ai cũng thấy rõ Zidane, Platini, Charlton đều là những tượng đài sừng sững trong lịch sử bóng đá. Nhưng giả sử Platini không có chức vô địch EURO 1984, Charlton không vô địch World Cup 1966, Zidane không hoàn thành chiến thắng kép vào năm 2000, họ có còn là những huyền thoại? Tất cả đều chỉ vượt qua Bồ Đào Nha một cách mong manh nhất có thể. Tại sao cứ mãi là Bồ Đào Nha?

Kinh Thi (Báo Bóng đá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem