Đại hội đồng cổ đông Vinaconex: Liệu có lặp lại kịch bản của năm 2019?
Trước thềm ĐHĐCĐ Vinaconex: Đằng sau sự tĩnh lặng vẫn là một thế trận "cân não"?
Nhật Minh
Thứ bảy, ngày 27/06/2020 14:56 PM (GMT+7)
Ngày 29/6 tới, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Dù bề ngoài có phần êm ả hơn thời điểm này năm ngoái, song có lẽ đằng sau sự tĩnh lặng đó có thể vẫn là một thế trận "cân não" tại Vinaconex?
Khác với lần họp trước khi mọi thứ mới chỉ dừng ở mức tuyên bố vì việc tiếp quản mới chỉ diễn ra vài tháng, ở đại hội đồng cổ đông lần này, các cổ đông nói riêng cũng như giới đầu tư nói chung có dịp nhìn lại và đánh giá kết quả kinh doanh cũng như tình hình tài chính của Vinaconex sau hơn một năm kể từ khi có ban lãnh đạo mới.
Có lẽ đây cũng là điều mà nhà đầu tư mong mỏi nhất sau hơn 1 năm Vinaconex trút bỏ chiếc áo quốc doanh. Bởi khi thực hiện cổ phần hóa, thị trường đều kỳ vọng về nhà đầu tư mới, ban lãnh đạo mới sẽ có những cải tổ để nâng tầm doanh nghiệp, cả về vị thế trong ngành và giá trị trên thị trường. Tuy nhiên, thành công hay không không phải cứ nói là được.
Trên thực tế, không phải "ông lớn" nào trong mảng xây dựng - xây lắp đều thành công khi khoác áo tư nhân, cũng có không ít những cái tên chững lại và đi xuống. Cienco 1, Cienco 4, Licogi hay Tổng Công ty Sông Đà là những ví dụ như vậy.
"Băn khoăn" sức khỏe tài chính sau 1 năm "tư nhân hóa"
Quay trở lại với câu chuyện của Vinaconex, còn nhớ, vào cuối năm 2018, giới đầu tư bất ngờ xen lẫn hoài nghi khi "cá bé" An Quý Hưng (Công ty TNHH An Quý Hưng) thâu tóm "cá lớn" Vinaconex bằng cách chi ra số tiền khổng lồ 7.400 tỷ đồng để đổi lấy 57% cổ phần từ SCIC. Cùng thời điểm, 22% vốn khác cũng được Viettel nhượng lại cho tư nhân khác.
Đợt thoái vốn nhà nước khi đó được xem như lần cổ phần hóa thứ hai và triệt để của Vinaconex. Qua đó giúp tổng công ty này trút bỏ chiếc áo quốc doanh, chính thức gia nhập khu vực kinh tế tư nhân đầy năng động, làm thực – ăn thực.
Vậy trên thực tế, Vinaconex ra sao trong "phiên bản" An Quý Hưng trong 1 năm qua?
Thoạt nhìn, sau hơn 1 năm dưới sự điều hành của tư nhân, hiệu quả kinh doanh của Vinaconex đã được cải thiện tương đối.
Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2019 của Vinaconex cho thấy, lợi nhuận trước thuế tăng 22%, đạt 965 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 787 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch của năm 2019.
Tuy vậy, nếu đi sâu phân tích thì bức tranh tài chính trong năm đầu tiên đổi chủ của Vinaconex không chỉ hoàn toàn màu của sự lạc quan?
Vinaconex đã kiểm soát tốt chi phí giá vốn, qua đó che lấp cả sự sụt giảm doanh thu ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2019 của Vinaconex giảm 2,3% so với năm 2018, đạt 9.891 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nếu so với cùng kỳ 2018, doanh thu mảng xây lắp - mảng kinh doanh chính của Vinaconex - giảm tới 560 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt lĩnh vực kinh doanh cốt lõi này đạt thấp và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty con cũng chiếm tỷ trọng nhỏ.
Nếu xét về dòng tiền, chỉ trong một năm khi quyền lực tập trung vào nhóm An Quý Hưng, BCTC riêng của Vinaconex ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.123 tỷ, gấp 4 lần so với năm 2018. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trên BCTC hợp nhất cũng nới rộng từ mức âm 50 tỷ năm 2018 lên đến âm 1.493 tỷ đồng trong năm 2019.
Trong khi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Vinaconex đã bị sa sút, báo cáo tài chính năm 2019 của Vinaconex còn cho thấy, nợ vay ngân hàng của Vinaconex tăng từ 3.700 tỷ đồng lên 4.812 tỷ đồng, nhưng các khoản trả trước cho khách hàng và phải thu khác tăng rất mạnh (từ 1.481 tỷ lên 3.009 tỷ). Như vậy, Vinaconex đang phải đi vay ngân hàng (có trả lãi suất) để tài trợ cho những tài sản rủi ro cao như phải thu khác và trả trước cho người bán. Hay nói cách khác, khi hoạt động kinh doanh chính không mang lại dòng tiền, điều này đồng nghĩa với việc Vinaconex đang bị các đối tác chiếm dụng vốn?
Tình hình kinh doanh của Vinaconex cũng không khả quan khi bước sang quý I/2020. Doanh thu từ hoạt động cốt lõi là xây lắp chỉ đạt 522 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ, doanh thu từ kinh doanh bất động sản cũng giảm đến 78%. Kết quả, lợi nhuận của Vinaconex "bốc hơi" tới 36% so với cùng kỳ. Thậm chí, nếu không nhờ khoản lãi đột biến từ hoạt động thoái vốn các khoản đầu tư trong quý I thì Vinaconex còn có thể lỗ trong quý này.
Kịch bản cũ lặp lại?
Từ thực tế trên, các cổ đông có quyền đặt câu hỏi: Mức tăng trưởng lợi nhuận âm của ngành nghề kinh doanh chính năm 2019 của Vinaconex do khả năng quản trị, điều hành doanh nghiệp kém? Hay do hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc chuyển qua hoạt động đầu tư vào lĩnh vực khác và vẫn tiếp tục không cần công bố đến các cổ đông?
Còn nhớ tại ĐHĐCĐ Vinaconex năm 2019 đã từng "dậy sóng" khi ở doanh nghiệp nghìn tỷ này, nhiều cổ đông lớn và nhỏ phản đối cách điều hành của HĐQT và Ban Tổng giám đốc. Khi cổ đông An Quý Hưng dùng quyền của cổ đông lớn, đưa ra những quyết định phê duyệt quy chế tài chính và quy chế tổ chức hoạt động của HĐQT được coi là chưa từng có trong lịch sử quản trị, điều hành các công ty niêm yết ở Việt Nam: Chủ tịch HĐQT được quyền quyết định mọi giao dịch lên tới cả nghìn tỷ, Tổng giám đốc được quyền quyết định tới 500 tỷ đồng mà không cần thông qua HĐQT.
Quyết định này khiến cho những cổ đông bỏ tiền vào cổ phiếu VCG đều tỏ ra bất an. Thế nhưng, trả lời những chất vấn của cổ đông về vấn đề này, Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh nói rằng: "Tôi là Chủ tịch tôi phải tạo ra sự khác biệt, phải đẳng cấp. HĐQT 7 người bỏ phiếu cứ quá bán là xong. Việc sửa đổi quy chế nếu sai, tôi sẵn sàng đi tù. Mà thực tế tới nay tôi đã ký được đồng nào đâu mà cứ bảo chúng tôi rút ruột, thụt két. Mà có thiệt hại, thì chúng tôi bỏ ra 7.400 tỷ mua cổ phần cơ mà, cứ lấy đó mà trừ".
Lời giải thích của vị Chủ tịch Vinaconex gây xôn xao suốt thời gian dài sau đó, bởi câu trả lời đó chưa thể làm thỏa đáng được những lo ngại trong lòng của các cổ đông về tính minh bạch trong quản trị và điều hành của Vinaconex?
Còn nếu nhìn một cách tổng quát, những thay đổi "mới" tại Vinaconex rõ ràng đã tạo ra một chế độ tập trung quyền lực. Ở đó, những cổ đông khác, dù có liên kết đề cử nhân sự tham gia điều hành, cũng không thể vượt mặt hay can thiệp vào những quyết định của người trong "nhóm lớn" An Quý Hưng.
Cũng có lẽ vì thế, sau khi cởi bỏ chiếc áo nhà nước, Vinaconex về với các ông chủ tư nhân, nội bộ phát sinh nhiều căng thẳng.
Ngày 29/6 tới đây, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 sẽ diễn ra. Dù bề ngoài có phần êm ả hơn thời điểm này năm ngoái, song với những băn khoăn về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong hơn 1 năm dưới sự điều hành của "nhóm ông chủ mới" cũng như những tính minh bạch trong quản trị và điều hành chưa "thỏa đáng" cho nhà đầu tư thì có lẽ đằng sau sự tĩnh lặng đó có thể vẫn là một thế trận "cân não" tại Vinaconex? Một bên là nhóm cổ đông lớn sở hữu quá nửa cổ phần với "quyền lực" đủ để đưa ra hay phủ quyết bất cứ nội dung nào, và bên còn lại là những cổ đông lớn khác - những người thực sự muốn đóng góp cho sự minh bạch hay chỉ đơn giản là muốn bảo vệ phần vốn đầu tư tại Vinaconex.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.