TS Đặng Kim Sơn: Nói 90% người Việt phải ăn gạo "bẩn" là vô căn cứ
TS Đặng Kim Sơn: Nói 90% người Việt phải ăn gạo "bẩn" là vô căn cứ
Anh Thơ
Thứ bảy, ngày 05/09/2020 17:06 PM (GMT+7)
Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, lúa gạo là một trong những ngành hàng nông sản đạt được nhiều thành công trong thời gian qua, nhận định 90% người Việt đang phải dùng gạo "bẩn" là không thỏa đáng.
Mấy ngày gần đây, một số báo có dẫn lời đại diện một doanh nghiệp nói rằng: 90% người Việt đang phải ăn gạo "bẩn". Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?
- Tôi cho rằng đây là một nhận xét không thỏa đáng, không có căn cứ và không công bằng cho gạo Việt. Trong bối cảnh chúng ta đang cạnh tranh gay gắt, những thông tin như thế sẽ làm tổn hại đến uy tín mặt hàng gạo xuất khẩu chúng ta đã gây dựng trong nhiều năm qua.
Là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành hàng lúa gạo thời gian qua?
- Nói chung, sản xuất lúa gạo là một ngành hàng thành công nhất trong thời gian qua, từ chỗ mỗi năm chúng ta chỉ xuất khẩu được 1 triệu tấn lương thực giờ đã thành quốc gia xuất khẩu lương thực vào hạng đầu trên thế giới. Sản lượng, giá gạo của Việt Nam cũng được đẩy lên rất cao.
Nếu như trước kia, giá gạo Việt thấp hơn rất nhiều so với giá gạo thế giới, nhất là gạo Thái Lan thì giờ đã tiến sát gần nhau về giá, thậm chí có thời điểm còn cao hơn.
Chất lượng gạo cũng thay đổi rất nhiều nhờ bộ giống lúa được cải tiến, chúng ta xây dựng được hệ thống thủy lợi hoành tráng từ Bắc vào Nam; hệ thống chế biến, bảo quản gạo ngày càng mạnh.
Quá trình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất cũng ngày càng mạnh mẽ, nông dân Việt Nam sẵn sàng tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng" để nâng cao chất lượng gạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nói cách khác, chỉ cần có thị trường là nông dân áp dụng cái mới vào sản xuất.
Có thể thấy, trong các cây trồng, sản xuất lúa gạo đang cao cả về năng suất, thấp về giá thành.
TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá, trong phát ngôn 90% người Việt đang dùng gạo "bẩn", quan trọng là hiểu thế nào là gạo “bẩn”. Có quan điểm gạo hữu cơ là gạo sạch, không hữu cơ là gạo “bẩn". Trước đây có giai đoạn Việt Nam xuất khẩu gạo sang Mỹ, chỉ vài container bị trả về nhưng không có nghĩa gạo bị trả về là "bẩn", chỉ là không đáp ứng được một số yêu cầu của thị trường này nhưng lại đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường khác.
“Thế nào là bẩn cần phải có tiêu chí để xác định, có căn cứ chứ không thể nói chung chung được. Còn việc nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề đặt ra cho các ngành quản lý, nhưng hiện nay nhờ triển khai các chương trình kỹ thuật, nông dân được nâng cao nhận thức nên tình trạng này cũng giảm đáng kể”, ông Thạch nói.
Theo ông, những tồn tại của ngành lúa gạo, nếu có là gì?
- Theo tôi, tồn tại lớn nhất của ngành lúa gạo hiện nay là vẫn còn đáng kể diện tích cạnh tranh theo chiều rộng, phải sử dụng nhiều đất, nước, vật tư đầu vào. Một số nơi nông dân vẫn sử dụng nhiều vật tư nên giảm chất lượng gạo, còn tồn dư hóa chất, ô nhiễm môi trường.
Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, dù còn những tồn tại như vậy nhưng nếu nói những tồn tại này đem lại bất lợi trong cạnh tranh cho ngành lúa gạo thì không đúng.
Bởi thực tế, trong số những mặt hàng nông sản bị đối tác nước ngoài trả về do tồn dư hóa chất, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lại không phải là gạo mà chủ yếu trên một số gia vị, trái cây. Câu chuyện hàng bị trả về không phải là vấn đề quá lớn đối với mặt hàng gạo.
Trên thị trường thế giới, gạo Việt đang biểu hiện cạnh tranh tốt, nếu có vấn đề gì về chất lượng thì cũng không thuộc vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm mà chỉ là về mặt hình thức, gạo không trong, không dài, độ gãy không như yêu cầu phía đối tác; thương hiiệu còn bị phối trộn, truy xuất nguồn gốc chưa tốt. Nhưng bù lại, chúng ta cũng đã có sản phẩm gạo được công nhận ngon nhất thế giới.
Vì vậy, nói 90% người Việt đang phải dùng gạo "bẩn" là không có căn cứ, không thỏa đáng, bởi thực tế suốt nhiều năm xuất khẩu gạo cho thấy, an toàn thực phẩm không phải là vấn đề lớn với gạo Việt.
Cũng có ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng gạo, chúng ta nên mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ. Theo ông, điều này có khả thi?
- Với ngành hàng lúa gạo có nhiều phân khúc thị trường có thể phát triển được. Vi dụ, có nơi người ta chủ trương phát triển gạo Japonica mà thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc rất ưa chuộng; có vùng chuyên trồng gạo đặc sản; có vùng làm gạo hạt dài, gạo thơm; thậm chí những loại gạo phẩm cấp thấp như IR50404 vẫn còn đất sống vì nó phù hợp với chế biến làm tinh bột.
Nói tóm lại, làm gạo gì là do yêu cầu của thị trường, chiến lược phát triển ngành gạo của Bộ NNPTNT cũng không áp đặt nhân dân theo một loại gạo nào.
Tất nhiên, sản xuất gạo hữu cơ là một xu hướng rất tốt, có giá cao, được thị trường ưa chuộng vì nó đảm bảo độ an toàn nhưng cũng chỉ là 1 trong các phân khúc thị trường, nếu dựa trên sức tiêu thụ của thị trường thì chúng ta khó có thể chuyển một phần lớn diện tích lúa gạo sang làm gạo hữu cơ được.
Ông đánh giá như thế nào về quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo hiện nay?
- Hiện, quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ở các địa phương đang đi theo 2 hướng. Một là thu hẹp diện tích ở những nơi trồng lúa kém hiệu quả, hoặc những nơi chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, tưới tiêu khó...
Thứ 2, sản xuất lúa gạo chuyển sang hướng sử dụng cơ giới hóa nhiều hơn, đối phó với tình hình giá lao động lên cao, xu hướng sử dụng tiết kiệm tài nguyên để giảm giá thành cũng được áp dụng.
Có một xu hướng nữa là sản xuất lúa gạo ngày càng thân thiện với môi trường, nhiều loại thuốc trừ sâu sinh học, phân hữu cơ được đưa vào sử dụng theo nguyên tắc "4 đúng" nhằm giảm giá thành, tăng chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm sức ép lên tài nguyên.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng nhiều nhà máy chế biến sâu, tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao từ lúa gạo, liên kết với nông dân tạo thành vùng chuyên canh khép kín.
Một số địa phương cũng giảm bớt vòng quay của đất, chuyển dịch thời vụ cho phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.