TS. Trương Văn Phước: Dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn, có thể giảm lãi suất điều hành ít nhất 1%
TS. Trương Văn Phước: Dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn, có thể giảm lãi suất điều hành 1%
Huyền Anh
Chủ nhật, ngày 05/12/2021 10:23 AM (GMT+7)
TS. Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, dư địa điều hành chính sách tiền tệ vẫn còn, có thể giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn...
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với chủ đề phục hồi và phát triển bền vững khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội. Tham luận tại Diễn đàn, TS. Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - cho rằng gói kích thích, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là hết sức cần thiết.
Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài sau cơn "bạo bệnh"
Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Trương Văn Phước cho biết, trong năm đầu của đại dịch (2020), Kinh tế thế giới tuy rất khó khăn: tăng trưởng kinh tế rất thấp, nhiều nước tăng trưởng âm, nhưng áp lực lạm phát chưa gay gắt, giá cả năng lượng còn ở mức thấp chỉ bắt đầu tăng vào cuối năm, việc đứt gãy chuỗi cung ứng đã xảy ra nhưng hậu quả tác động đến lạm phát các nước chưa rõ nét. Các chính sách an sinh xã hội và cứu trợ của các nước đảm bảo xoa dịu những mất mát khó khăn của người dân trong đó có những người lao động.
Qua năm 2021, các nước nhờ tốc độ bao phủ vaccine nhanh đã bắt đầu mở cửa trở lại nhưng phải đối mặt với thực tế là sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, logistic gặp khó khăn, thiếu hụt nhân công, giá năng lượng tăng cao, đặc biệt là sau thời gian dài phong tỏa sức cầu tăng đột biến. Việc mất cân đối cung cầu, có thể xem là nguyên nhân chính đưa lạm phát lên cao. Từ áp lực tăng cao lạm phát ở trên thế giới đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam một lựa chọn. Đó là xác định quy mô gói kích thích, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch ở mức độ nào là phù hợp, là khả thi và không gây những bất ổn cho kinh tế vĩ mô sau này.
"Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn "bạo bệnh" và không loại trừ khả năng có thêm những đợt bùng phát mới có thể còn khốc liệt hơn.
Thiếu các gói hỗ trợ như vậy, không loại trừ kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài, đánh mất nhiều lợi thế và cơ hội vươn tới các mục tiêu phát triển đã đề ra", ông Phước nhấn mạnh.
Dư địa điều hành chính sách tiền tệ vẫn còn
Đánh giá rằng, việc tìm địa chỉ các nguồn lực tài chính và cách thức huy động các nguồn lực này là một vấn đề không hề đơn giản, song ông Phước cho biết dư địa điều hành chính sách tiền tệ vẫn còn.
Vị này phân tích, với mức lạm phát đến cuối tháng 10/2021 vẫn thấp (CPI < 2%, lạm phát cơ bản < 1%) và có khả năng dưới 3% đến cuối năm 2021, có thể giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn... Nhờ đó mà đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống.
Ngoài ra, một số các chỉ tiêu như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên được duy trì từ nay đến ít nhất cuối năm 2023 nhằm giảm áp lực về tăng lãi suất huy động – theo ông Phước.
Về hệ số rủi ro tín dụng, theo vị này trong khi vẫn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR thì các doanh nghiệp chịu tổn thất trong đại dịch có thể có hệ số rủi ro tín dụng thấp hơn mức hiện nay để giúp các doanh nghiệp này tiếp cận được vốn tín dụng. Tiếp tục cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đến giữa năm 2023.
Ông Phước cũng cho rằng, với xu hướng lãi suất quốc tế đang tăng dần, nên việc vay nợ nước ngoài chưa thật phù hợp thì nguồn tài chính chủ yếu là vay nợ trong nước.
"Tham khảo kinh nghiệm các nước về việc NHTW vừa mua trực tiếp Trái phiếu Kho bạc vừa tiến hành hoạt động Repo (mua đi, bán lại trái phiếu) thì nên xem xét việc NHNN mua Trái phiếu Chính phủ, vừa là hành động hỗ trợ Ngân sách Nhà nước vừa nắm công cụ để điều hành CSTT: Bơm tiền (mua TPCP), Hút tiền (bán TPCP) cho các tổ chức tín dụng", vị này cho hay.
Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhấn mạnh trọng tâm của chính sách tài khóa cần linh hoạt trong không gian chính sách và phối hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ.
Theo đó, dư địa chính sách tài khóa còn rất lớn khi thu ngân sách dự kiến cả năm vẫn tăng so với dự toán; bội chi ngân sách và trần nợ công vẫn duy trì trong mức cho phép. Nợ công vẫn thấp so với ngưỡng an toàn và với mức trần đã được Quốc Hội phê chuẩn.
Khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào khi mà lãi suất Trái phiếu Chính phủ quanh mức 2,09%/năm đối với kỳ hạn 10 năm. Trong khi lãi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ cùng kỳ hạn đã lên trên 1,6%/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.