TS. Vũ Đình Ánh: Thu thuế như “vặt lông vịt”

Thanh xuân Thứ năm, ngày 22/06/2017 15:57 PM (GMT+7)
Tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 tại Hà Nội ngày 22.6, nói về việc làm sao giúp cho các doanh nghiệp phát triển, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, “thu thuế như vặt lông vịt, vặt làm sao cho sạch nhưng đừng quá vội để con vịt nó kêu toáng lên”.
Bình luận 0

img

TS. Vũ Đình Ánh: Thu Thuế như “vặt lông con vịt” (ảnh TX)

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, doanh nghiệp nào cũng tìm cách tránh thuế, càng doanh nghiệp lớn thì họ lại càng quan tâm tới việc tránh thuế và thành lập cả một bộ phận chuyên trách để tránh thuế chứ không phải trốn thuế.

“Mới đây, tôi đọc một cuốn sách nói về cách tránh thuế của các “ông lớn” trên thế giới họ cũng rất “tinh vi”. Ví dụ, một năm doanh nghiệp của họ chỉ có doanh thu thực là 200 triệu USD nhưng họ khai báo lên doanh thu tới 1 tỷ USD. Tức là, 1 sản phẩm chỉ bán có 1 USD nhưng lại khai tới 17 USD, tính ra doanh thu lớn như khoản chi phí cũng rất lớn nên lợi nhuận là không có, tránh được thuế”, ông Ánh lấy ví dụ.

Ông Ánh cũng cho rằng, cần nhìn lại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay. “Chúng ta có 97,7% doanh nghiệp nhỏ và vừa và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, vậy hơn 2% doanh nghiệp còn lại vứt đi đâu?”. Ông Ánh đặt câu hỏi, với mấy trăm nghìn hộ hộ kinh doanh, sau 1 đêm vận động người ta ra đăng ký để  có đủ chỉ tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào 2020 để làm gì? Chẳng giải quyết được gì hết! Với xu thế này chúng ta đang tạo ra bong bóng doanh nghiệp!

Theo ông Ánh, cần chấp nhận một thực tế là có doanh nghiệp “nhớn, nhỡ, nhỏ” chứ không thể tất cả là nhớn hoặc tất cả là nhỏ và vừa để được hỗ trợ. (tôi gọi là nhớn chứ không phải lớn vì từ của tiếng Việt gọi như thế - PV). Có xác định đúng quy mô của doanh nghiệp thì mới có cách thức ứng xử hợp lý.

Nói về các chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, ông Hồ Sỹ Hùng – Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KHĐT) cho rằng, cần tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp, hiện chi phí của doanh nghiệp khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Các yếu tố khách quan như vốn sản xuất, mặt bằng, lao động…còn khó khăn nhưng riêng các chi phí hải quan, thục tục xác nhận hàng hóa…có thể triển khai giảm được.  “Quy định về điều kiện kinh doanh không khó, nhưng khi doanh nghiệp đăng ký thì thời gian bị kéo dài mà không có lý do hoặc không được chấp nhận; lớn hơn là môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính thì pháp luật phải thực hiện nghiêm minh để tạo lòng tin cho doanh nghiệp”, ông Hùng nhấn mạnh. 

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, “ miếng bánh” GDP không to ra được, doanh nghiệp thì nhiều hơn tức là quy mô doanh nghiệp nhỏ đi. Doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, giờ càng nhỏ nữa nên trước kia “ăn xôi”, giờ chỉ có ăn mì ăn liền. Nghiên cứu cho thấy, quy mô doanh nghiệp Việt Nam khoảng 300 – 400 lao động là có hiệu quả, năng suất tốt nhất.

Đồng quan điểm với các chuyên gia kinh tế, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng Pháp chế (VCCI) đặt vấn đề: đằng sau ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn có những cái gì?  Cách đây 17 năm, Chính phủ liên tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp lớn hơn, cạnh tranh gay gắt hơn mà thủ tục không có thay đổi nên tác động cũng lớn hơn rất nhiều. Để cải cách cho doanh nghiệp, cần xem Chính phủ có cái gì và cái gì doanh nghiệp đang cần phải gỡ. “Quan sát của tôi, doanh nghiệp phải chịu tách động của các chi phí: Chi phí thị trường không nói mà là gánh nặng từ chính hệ thống yếu kém và quy định pháp luật. Đó là rủi ro pháp lý và bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ, như tài sản, sáng chế,  và những tranh chấp không lành mạnh trong kinh doanh. Nếu tôi là Chính phủ, tôi sẽ ưu tiên gỡ bỏ rào cản pháp lý đang gây ra rủi ro cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn lấy ví dụ, doanh nghiệp đã trót đầu tư 1 ngành nghề kinh doanh trong số các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay, sau 5 năm, vi lý do nào đó không xin lại được giấy phép hoặc chậm được cấp lại giấy phép là bị tạm dừng hoặc không được sản xuất nữa. Với điều kiện kinh doanh như vậy thì liệu họ có lòng tin bỏ ra hàng tỷ USD để đầu tư vào một dự án có thời gian 30 – 40 năm đẩy rủi ro hay không?

"Do đó, nếu là doanh nghiệp, họ luôn cho rằng rủi ro trong kinh doanh là điều đáng sợ nhất!", ông Tuấn nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem