Từ 20/6, Nghị định 18/2023 quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có gì mới?

P.V Chủ nhật, ngày 14/05/2023 17:30 PM (GMT+7)
Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực từ ngày 20/6/2023.
Bình luận 0
Từ 20/6, thực hiện nhiều quy định mới về bán hàng đa cấp - Ảnh 1.

Ngày 12/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thay thế cho Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014. 

Nghị định 40/2018/NĐ-CP ra đời với các quy định siết chặt hơn về điều kiện kinh doanh, hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia, các doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bán hàng đa cấp. 

Nghị định 40/2018/NĐ-CP điều chỉnh tương đối đầy đủ, toàn diện về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, sàng lọc những doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động bất chính, qua đó góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm khả năng gây hậu quả về kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Nghị định 40/2018/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số vấn đề vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi, hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp như quy định về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, quy định về đại diện của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương, quy định về thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo trước khi thực hiện, quy định về điều kiện sử dụng tiền ký quỹ, quy định về cách thức thực hiện một số thủ tục hành chính…

Do đó, Chính phủ ban hành Nghị định 18/2023/NĐ-CP nhằm tiếp tục tạo hành lang pháp lý quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp, sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong quá trình thực thi và tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Nghị định 18/2023/NĐ-CP có 03 Điều. Điều 1 sửa đổi một số điều khoản tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, trong đó có các nội dung đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, Nghị định quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp. 

Quy định này nhằm thúc đẩy hoạt động bán hàng đa cấp phát triển đúng bản chất của hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng thay vì chỉ tiêu dùng trong nội bộ hệ thống người tham gia.

Thứ hai, Nghị định bổ sung quy định nhằm nâng cao điều kiện đối với đầu mối liên hệ của doanh nghiệp tại địa phương. 

Theo đó, trường hợp doanh nghiệp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh tại địa phương thì phải cử đầu mối liên hệ tại địa phương, và đầu mối này phải được đào tạo, trải qua kỳ kiểm tra kiến thức và được Bộ Công Thương cấp xác nhận kiến thức mới có thể làm đầu mối cho doanh nghiệp.

Quy định này nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp cử đầu mối mang tính chất đối phó, không có hiểu biết pháp luật hay hiểu biết về hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý trên địa bàn.

Thứ ba, trên cơ sở hoạt động bán hàng đa cấp thuộc ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư, Nghị định 18/2023/NĐ-CP đã bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông. 

Theo đó, trong trường hợp này, tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu là 03 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Điều kiện này nhằm giúp sàng lọc các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp trước khi vào thị trường Việt Nam, giúp giảm nguy cơ lừa đảo trên quy mô lớn.

Bên cạnh đó, hoạt động bán hàng đa cấp cũng thuộc phạm vi hoạt động phân phối bán lẻ nên các doanh nghiệp có cổ đông hay chủ sở hữu là nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ phải tuân thủ quy định về giấy phép kinh doanh tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ tư, thay đổi quy định về thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo trong hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, hội nghị, hội thảo, đào tạo tổ chức dưới hình thức trực tuyến cũng phải thông báo đến Sở Công Thương trước khi thực hiện. 

Quy định này nhằm khắc phục tình trạng tổ chức các hoạt động trực tuyến để né tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Thứ năm, sửa đổi quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện một số thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, giảm các thủ tục không cần thiết, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Nghị định cũng sửa đổi một số quy định khác nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của cơ chế quản lý hoạt động bán hàng đa cấp như điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam, quy định về các loại hội nghị, hội thảo, đào tạo thuộc phạm vi thông báo trước khi thực hiện, nội dung về phạm vi áp dụng kế hoạch trả thưởng tại Việt Nam, quy định rõ nội dung và cơ chế sử dụng khoản tiền ký quỹ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem