Những ngày qua, vụ một số phụ huynh tố bị lừa tiền khi được thông báo "con đang cấp cứu" xảy ra tại TP.HCM khiến dư luận xôn xao. Công an TP.HCM đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ khẩn trương điều tra làm rõ.
Sau những cuộc gọi điện lừa đảo chuyển tiền cấp cứu vì con gặp tai nạn, nhiều phụ huynh băn khoăn vì sao kẻ gây ra vụ việc có được thông tin cá nhân như họ tên học sinh, phụ huynh, thông tin, lớp trường...
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cho biết, hiện nay thông tin cá nhân của người dân đang lộ, lọt trên không gian mạng rất nhiều. Việc lộ thông tin cá nhân từ chính mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc thông qua các nguồn dữ liệu trên các website….
"Đầu tiên, kẻ xấu có thể tìm kiếm thông tin này trên tài khoản cá nhân. Người dùng thường xuyên chia sẻ thông tin, hình ảnh của bản thân, con cái dẫn đến lộ thông tin cá nhân một cách tình cờ mà không biết. Bây giờ muốn tìm một gia đình nào có con học ở trường quốc tế rất dễ, cứ lên Facebook tìm kiếm là ra.
Nhiều gia đình không ngần ngại chia sẻ công khai, quay hình ảnh con học ở trường, ở lớp. Hoặc chỉ cần số điện thoại kẻ xấu sẽ xác định được danh tính người đó là ai, địa chỉ ở đâu, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, thậm chí Facebook sử dụng số điện thoại cũng hiện cho nên những kẻ lừa đảo sử dụng nguồn dữ liệu lộ lọt như vậy để nắm bắt tâm lý", ông Hiếu thông tin.
Người dân cần làm gì khi nhận cuộc gọi từ số máy lạ?
Ông Hiếu nói tiếp: "Một số nạn nhân liên lạc với tôi, chút xíu nữa thì họ cũng bị lừa, cũng bị gọi điện thoại nói con bị thế này thế kia, hỏi tại sao thông tin con của họ bị mất. Tôi giải thích thông qua các nguồn để lộ, lọt thông tin… thậm chí thông tin trên trang cá nhân, con cái tên gì, mấy tuổi, học lớp nào… May lúc đó họ còn tình táo gọi điện thoại kịp thời lên trường, con trong tình trạng thế nào thì trường nói mọi thứ bình thường, cháu đang ăn".
Theo chuyên gia an ninh mạng Hiếu PC, một nguy cơ làm lộ, lọt thông tin khác chính từ những dịch vụ bản thân hoặc công ty của mình đang sử dụng. Điển hình rất dễ thấy hiện nay như: hãng hàng không, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, vui chơi, nghỉ dưỡng,... khi phụ huynh, học sinh khai báo thông tin để làm thẻ khách hàng thì có thể bị bán dữ liệu ra ngoài.
"Nhiều người không lạ gì khi đặt vé máy bay xong là ngay lập tức có rất nhiều cuộc gọi mời chào sử dụng dịch vụ taxi, khách sạn. Ngoài ra, nạn mua bán thông tin cá nhân cũng đang diễn ra rất phức tạp, thông tin cá nhân được chào bán với giá rất rẻ. Kẻ lừa đảo còn có thể biết biết tên, địa chỉ, nghề nghiệp, thậm chí là mức thu nhập nữa", ông Hiếu phân tích.
Chính từ những thông tin có được, đối tượng xấu đánh vào đòn tâm lý sợ hãi, khi nghe tin báo "con đang cấp cứu" nhiều phụ huynh sốc.
"Qua các sự việc này, bản thân mỗi cá nhân và ngay tại các đơn vị, tổ chức cũng cần rà soát lại việc bảo mật thông tin của mình. Khi nhận cuộc gọi như vậy tốt nhất nên dừng lại kiểm chứng, phải thực sự bình tĩnh. Mọi người nên gọi điện thoại đến bệnh viện hoặc trường con mình đang học để kiểm chứng xem đúng không.
Khi nhận bất kỳ cuộc gọi như vậy nên báo lên cơ quan chức năng, cụ thể có thể báo lên Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia hoặc báo cơ quan chức năng xã, phường, quận, huyện nơi mình đang sinh sống để có hướng giải quyết", Hiếu PC đưa ra lời khuyên.
Ngoài ra, theo Hiếu PC, để tránh được việc này nên nâng cao nhận thức an toàn thông tin, đặc biệt những người tầm trung niên trở lên rất dễ mắc bẫy lừa, bởi họ không biết về công nghệ quá nhiều. Để tránh được việc này mọi người nên tham khảo nguồn thông tin hướng dẫn 3 bước để kiểm chứng lừa đảo trên không gian mạng thế nào, kiểm chứng, báo cáo.
Trong vòng 4 ngày (từ 3 - 6/3), Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã tiếp nhận hàng loạt phụ huynh nhận thông tin giả con đang cấp cứu, trong đó có 5 trường hợp bị lừa chuyển khoản hơn 300 triệu đồng.
Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo đến các phụ huynh thủ đoạn dùng thông tin giả mạo để lừa đảo của kẻ xấu. Nếu nhận cuộc gọi lạ, người dân có thể liên hệ đến tổng đài Bệnh viện Chợ Rẫy (số điện thoại 028.3855.4137, nhấn phím 0), báo tổng đài viên kết nối đến khoa phòng điều trị có liên quan, để xác nhận lại thông tin bệnh nhân và các khoản viện phí (nếu có), số tài khoản thanh toán của bệnh viện trước khi chuyển khoản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.