Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở thời gian qua, trên cơ sở tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 529/BC-CP ngày 10/10/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý lại Điều 57 chặt chẽ hơn như sau:
Cụ thể, đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân, nếu có từ 02 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê thì phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Phải được thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở từ 02 tầng trở lên để bán, cho thuê mua căn hộ, từ 02 tầng và quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê đều phải lập dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Bên cạnh đó, theo đại diện Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, hiện có ý kiến đề nghị cần có chính sách tập trung ưu tiên cho loại hình nhà ở xã hội cho thuê, cho thuê mua. Ý kiến khác cho rằng nếu nhà ở xã hội xây dựng bằng vốn nhà nước chỉ để cho thuê thì Nhà nước phải đầu tư nguồn lực rất lớn nên không khả thi. Tại Báo cáo số 529/BC-CP ngày 10/10/2023 góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ đề nghị chỉnh lý nội dung này theo hướng nhà ở xã hội sử dụng vốn đầu tư công chỉ để cho thuê.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định trường hợp nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước thì chỉ để cho thuê, cho thuê mua, tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật cho thấy, quy định này đã không phát huy hiệu quả.
Lý do bởi tâm lý muốn sở hữu nhà ở của người dân Việt Nam; thực tế, quỹ nhà ở xã hội để cho thuê tại các dự án hầu hết đều không lấp đầy, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, nếu nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng chỉ để cho thuê thì Nhà nước phải bỏ ra nguồn lực rất lớn để đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, trong khi điều kiện ngân sách nhà nước hiện nay còn khó khăn. Do đó, để hài hòa giữa nhu cầu của người dân và nguồn lực nhà nước.
UBTVQH đề nghị tiếp thu một phần ý kiến ĐBQH và Chính phủ để chỉnh lý khoản 1 và khoản 2 Điều 80 của dự thảo Luật như sau: đối với các dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công chỉ được cho thuê, cho thuê mua; đối với dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn khác của Nhà nước thì được bán, cho thuê, cho thuê mua.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quy định theo hướng này bảo đảm thẩm quyền linh hoạt của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội căn cứ vào nguồn lực nhà nước từng thời kỳ; trường hợp nguồn lực nhà nước cân đối được thì có thể tập trung chủ yếu phát triển nhà ở xã hội để cho thuê nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nhà ở xã hội của người dân có thu nhập thấp.
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (khoản 4 Điều 80), do vấn đề này còn ý kiến khác nhau, UBTVQH xin báo cáo 02 phương án.
Cụ thể, phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.
Phương án 2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ "chín" để quy định trong Luật.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.