Ủy ban Tư pháp đề nghị đánh giá rõ nguyên nhân các vụ án "chuyến bay giải cứu", đăng kiểm, AIC
Ủy ban Tư pháp đề nghị đánh giá rõ nguyên nhân các vụ án "chuyến bay giải cứu", đăng kiểm, AIC
Quỳnh Nguyễn
Thứ tư, ngày 13/09/2023 10:49 AM (GMT+7)
Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề nghị đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm từ các vụ án tham nhũng nghiêm trọng như "chuyến bay giải cứu", đăng kiểm, AIC... để chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, sáng 13/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 (kỳ báo cáo từ 1/10/2022 - 31/7/2023).
54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023 có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng, trong đó Ngân hàng Nhà nước có 19 người nộp lại quà tặng, TP.HCM có 1 người và Đà Nẵng có 3 người.
Để ngừa tham nhũng, trong kỳ báo cáo, các cấp, các ngành cũng đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác của hơn 37.400 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 86,4% so với năm 2022).
Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Chính phủ cho biết từ 8/2/2022 đến ngày 30/4/2023, có hơn 13.000 người đã được xác minh tài sản, thu nhập.
Trong đó, 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Những người này bị kỷ luật bằng các hình thức như xóa tên khỏi danh sách ứng cử, cảnh cáo, cách chức…
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, báo cáo cho thấy năm 2023 có 39 người đứng đầu và cấp phó bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Con số này tăng 105,2% so với năm 2022.
Trong đó, 11 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 28 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (gồm 3 trường hợp khiển trách, 12 cảnh cáo, 13 cách chức).
Điểm lại những kết quả nổi bật trong phòng chống tham nhũng, Chính phủ nhấn mạnh nội dung đã kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách, từ đó khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, trách nhiệm, xin từ chức.
Đặc biệt, theo Chính phủ, điểm nổi bật trong công tác này còn thể hiện ở việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn; mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội.
Theo thống kê của Chính phủ, số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý tăng cao so với năm 2022 (tăng 231 vụ án so với năm 2022).
Dù vậy, Chính phủ nhận định tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng tinh vi, phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài....
"Rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra"
Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho hay, ủy ban này đánh giá cao những kết quả trong công tác này như việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, kể cả đối tượng là lãnh đạo quản lý cấp cao ở địa phương.
Dẫn chứng, báo cáo của Ủy ban Tư pháp đề cập đến các trường hợp như Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau... bị xem xét, xử lý kỷ luật vì kê khai tài sản, thu nhập không trung thực...
Tuy nhiên, ông Cường cũng chỉ ra nhiều hạn chế không mới và kéo dài qua nhiều năm, nhưng Chính phủ chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.
Điển hình là vẫn còn tình trạng bố trí, bổ nhiệm người nhà, người thân vào các chức danh lãnh đạo quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị trái quy định.
Trong các báo cáo thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng hàng năm, Ủy ban Tư pháp nhiều lần đề nghị Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ thiếu minh bạch, không đúng quy định, tuy nhiên đến nay, tình trạng này vẫn xảy ra.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cho rằng công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến. Rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra.
Ủy ban Tư pháp đánh giá, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực.
Bên cạnh đó, tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng. Thống kê cho thấy cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã khởi tố 45 vụ, với 82 bị can về tội tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp.
Từ đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu... Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham nhũng vặt", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp (như vụ "chuyến bay giải cứu", các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC…), Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề nghị đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.