Văn học Tuổi 20 mùa 7: Sức nặng hiện thực từ những cây bút trẻ
Văn học Tuổi 20 mùa 7: Sức nặng hiện thực từ những cây bút trẻ
Diệu Thuỳ
Thứ bảy, ngày 19/03/2022 10:29 AM (GMT+7)
Ban tổ chức Giải thưởng Văn học Tuổi 20 với chủ đề "Tuổi 20 hôm nay: Cuộc sống và góc nhìn" vừa công bố 12 tác phẩm xuất sắc nhất lọt vào vòng chung khảo. Cuộc thi được phát động từ ngày 1/1/2019 kéo dài đến ngày 30/10/2021, sau khi phải gia hạn thêm 5 tháng do đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ cho biết, các tác giả dự thi Văn học tuổi 20 lần này hầu hết thuộc độ tuổi 9X, nghề nghiệp đa dạng. Các tác giả tham gia sống ở nhiều vùng miền trên toàn quốc lẫn đang ở nước ngoài.
12 tác phẩm được chọn vào chung khảo trong tổng cộng 511 bản thảo dự thi. Theo Ban tổ chức, số lượng tác phẩm dự thi đã tăng liên tục qua các lần tổ chức (2018, 458 tác phẩm; 2014, 328 tác phẩm;…) đã chứng tỏ "một sức sống có thực, một sức sống bền lâu của một cuộc vận động sáng tác của người trẻ, cho người trẻ, vì người trẻ".
Điều đáng quý là bên cạnh các tác giả đã có tác phẩm xuất bản từ trước, có những tác giả kiên trì theo con đường viết lách nghiêm túc, cũng có cả những cây bút mới mà bản thảo vào chung khảo cũng chính là cuốn sách đầu tay được in.
Lần đầu tiên, trong 12 tác phẩm vào chung khảo, có đến 6 tập truyện ngắn góp mặt cùng với 6 truyện dài. Tuy nhiên, trong tổng số tác phẩm dự thi, số lượng truyện dài lần này tăng khá cao (366/139). Theo đánh giá của Ban tổ chức, đây cũng cũng là tín hiệu vui cho một nền văn học.
"Phải chăng những biến động nhanh chóng, liên tục, dồn dập diễn ra trên phạm vi rộng lớn, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều nền văn hóa… đã thôi thúc người viết viết nhanh viết gấp, để chạy đua phản ánh cho kịp với hiện thực đang bày ra bề bộn, ngổn ngang cùng với những suy tư, dồn nén trong cõi lòng người trẻ vốn là đối tượng gắn chặt của những đổi thay hôm nay?", ông Dương Thành Truyền - Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Văn học Tuổi 20 lần 7 nhận định.
Theo ông Dương Thành Truyền, 12 tác phẩm vào vòng chung khảo hôm nay không có các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, về lịch sử dân tộc, về tín ngưỡng dân gian với bút pháp sử thi, kỳ ảo, xuyên không… cùng hệ thống chi tiết đồ sộ như vài lần trước. Độ dày mỗi cuốn sách lần này cũng không lớn.
"Nhưng khi đọc xong, chúng tôi tin chắc rằng, sức nặng của hiện thực từ những trang sách này sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Bức tranh hiện thực của cuộc sống đương đại đã được 12 tác giả trình bày với đầy ắp "hiện thực" của hai thế giới hiện thực", ông Truyền chia sẻ thêm.
Đó là, một thế giới hiện thực được kể lại từ đời sống của làng quê, của thị thành, đời sống nơi xứ người, với những phận người chìm nổi cùng những bi kịch, những nghiệt ngã, những đổi thay không ngừng…
Trên nền của một thế giới đã rất khác: với mạng xã hội, với dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, người máy, tràn ngập thông tin và bùng nổ dữ kiện… mỗi người chúng ta vẫn tiếp tục mắc kẹt trong những điều muôn thuở giữa đúng - sai, giữa thật - giả, giữa mộng - tỉnh, giữa ảo - thực, từ tình yêu đến cái chết, từ đấu tranh đến tội lỗi, từ tự do đến ảo vọng… của kiếp người.
Nhưng bên cạnh đó, gây ngạc nhiên, lại có một thế giới hiện thực được tái tạo từ hiện thực một thế giới đã sản sinh, được tồn tại, được định nghĩa, được điều kiện hóa bởi ngôn từ, bởi nghệ thuật. Hiện thực tạo ra ngôn từ, nhưng đến lượt mình, ngôn từ cũng tạo ra một hiện thực mới.
Cuộc sống làm nên nghệ thuật, nhưng cũng chính nghệ thuật làm nên một cuộc sống khác của con người. Thế giới hiện thực thứ hai này, hòa quyện, gắn bó với, chi phối cùng thế giới hiện thực thứ nhất, như hai mà một, tạo nên những trang sách độc đáo, bất ngờ, đầy cảm hứng…
"Văn học Tuổi 20 lần này tiếp tục thể hiện những góc nhìn mạnh mẽ, trực diện và đầy chất suy tưởng của những người viết trẻ - viết về chính mình trên con đường tìm kiếm bản ngã khi đối diện và trả lời những vấn đề gai góc của con người, của xã hội và của thời cuộc", ông Truyền đánh giá và cho biết vòng chung khảo hứa hẹn nhiều bất ngờ, khi kết quả sẽ được công bố vào tháng 5/2022.
12 tác phẩm vào chung khảo gồm: Chopin biến mất (truyện dài) - Hiền Trang, Cõi người mắc cạn (truyện dài) - Hoàng Khánh Duy, Kẻ săn chuột (truyện dài) - Phã Nguyện, Ngủ ngon nhé, nàng thơ (truyện dài) - Nguyễn Dương Quỳnh, Bảy bảy bốn chín (truyện dài) - Hoàng Công Danh, Vụn ký ức (truyện dài) - Yang Phan, Chuồng cọp trên cao (tập truyện ngắn) - Nguyễn Thu Hằng, Bí mật của bóng tối (tập truyện ngắn) - Đinh Thành Trung, Nửa lời chưa nói (truyện ngắn) - Duy Ân, Vệt sáng của bụi (tập truyện ngắn) - Lê Quang Trạng, Lũ chim thích chọn cành khô (tập truyện ngắn) - Mai Thanh Nga và Có thú dữ trong thành phố (tập truyện ngắn) - Nguyên Nguyên.
Ra đời từ năm 1994, cuộc thi Văn học tuổi 20 trải qua bề dày gần 30 năm phát triển với 7 lần tổ chức cùng hơn 2 ngàn tác phẩm dự thi. Nhiều tác giả tên tuổi thành danh từng đoạt giải từ cuộc thi như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy… Ban giám khảo chung khảo lần 7 gồm PGS-TS Ngô Văn Giá, PGS-TS Nguyễn Thành Thi, nhà báo Thúy Nga, nhà văn Phan Hồn Nhiên và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Các giải thưởng gồm: 1 giải nhất 70 triệu đồng; 1 giải nhì: 50 triệu đồng; 1 giải ba: 30 triệu đồng; 4 giải khuyến khích: 20 triệu đồng/giải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.