Vì sao TP.HCM tụt 20 hạng về cải cách hành chính?

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 12/08/2022 16:08 PM (GMT+7)
Ngày 12/8, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính của TP.
Bình luận 0
Vì sao TP.HCM tụt 20 hạng về cải cách hành chính? - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM. Ảnh: P.V

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, Bộ Nội vụ công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của TP đạt 86,05%, xếp vị trí 43/63 tỉnh, thành, giảm 20 bậc nhưng tăng giá trị chỉ số 1,35% so với kết quả năm 2020.

Theo ông Nhân, có 8 nội dung liên quan đến chỉ số cải cách hành chính (Par index) mà TP bị trừ điểm. Trong đó, lĩnh vực công tác chỉ đạo điều hành bị trừ 0,0633 điểm do có các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thành muộn so với yêu cầu.

Lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính bị trừ 0,3334 điểm cho chưa thực hiện công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cấp xã trên Cổng thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công TP; còn có hồ sơ trễ hạn và chậm xử lý phản ánh kiến nghị.

Trong lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bị trừ 0,25 điểm do việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, còn có cán bộ, công chức lãnh đạo bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên.

Lĩnh vực cải cách tài chính công bị trừ 0,6387 điểm do tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa đạt yêu cầu. Trong thời điểm này, TP trải qua thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án

Việc tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách còn chậm. Đáng chú ý, trong lĩnh vực tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của TP, TP.HCM bị trừ 2/6 điểm.

Phân tích lý do, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết năm 2021 có nhiều yếu tố khách quan tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù TP đã nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế nhưng tỷ lệ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn, tỷ lệ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do HĐND TP giao không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh (SIPAS), TP đạt 8,6559/10 điểm (bị trừ 1,3441 điểm).Còn kết quả khảo sát từ cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng thuộc sở, đại biểu HĐND TP, lãnh đạo UBND cấp huyện đạt 16/23,5 điểm (bị trừ 7,5 điểm).

Đưa ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đề nghị TP sớm hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Theo ông Hoàng, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương xây dựng hệ thống đồng bộ cổng thông tin điện tử một cửa với Cổng thông tin quốc gia, để hằng ngày Thủ tướng theo dõi việc giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị trên cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM làm rất chậm và manh mún. Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, TP đã tiếp nhận và giải quyết khoảng 5,3 triệu hồ sơ, nhưng hiện trên hệ thống mà Thủ tướng theo dõi chỉ 11.000 hồ sơ. Như vậy, các hồ sơ còn lại là báo cáo giấy.

Việc này dẫn đến báo cáo của TP.HCM thì gần như 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, nhưng Thủ tướng theo dõi chỉ khoảng 63% hồ sơ là đúng hạn.

Vì sao TP.HCM tụt 20 hạng về cải cách hành chính? - Ảnh 3.

Người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại “ATM hồ sơ” ở quận 6, TPHCM. Ảnh: Ngô Bình

Ông Hoàng đề nghị TP tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để làm cơ sở xây dựng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4. Hiện nay TP có khoảng 800 dịch vụ công trực tuyến nhưng chỉ có khoảng 22 dịch vụ kết nối với Cổng thông tin quốc gia, dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính không rút ngắn được thời gian.

Ông Hoàng dẫn chứng vừa qua, tất cả các địa phương đã xây dựng dịch vụ công trực tuyến liên thông trong việc thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai. Bình thường, thủ tục này phải mất 28 ngày nhưng khi liên thông chỉ thực hiện khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Ông cho rằng TP.HCM đang làm quá chậm so với các địa phương.

Về vấn đề này, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, trong tháng 10, TP sẽ hoàn thành cổng dịch vụ công. Cổng sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện, bao gồm 403 dịch vụ công trực tuyến theo quyết định của UBND TP và 25 dịch vụ công thiết yếu theo đề án 06.

Với hệ thống thông tin một cửa điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ thiết lập 1.454 thủ tục hành chính của các sở ban ngành và các địa phương để người dân nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem