Ông Lê Minh Trí: Sẽ xem xét phục hồi điều tra vụ án "gỗ trắc" nếu được chấp thuận đề nghị định giá
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí: Sẽ xem xét phục hồi điều tra vụ án "gỗ trắc" nếu được chấp thuận đề nghị định giá
Quỳnh Nguyễn
Thứ năm, ngày 22/08/2024 10:30 AM (GMT+7)
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, VKSND tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án gỗ trắc, kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ định bộ chuyên ngành tiến hành định giá, nếu được chấp thuận và thực hiện thì cơ quan điều tra VKSND tối cao sẽ có cơ sở để xem xét phục hồi điều tra vụ án.
Liên quan đến vụ án gỗ trắc kéo dài nhiều năm ở Quảng Trị, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 21/8, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Lê Minh Trí đã trả lời đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) rằng, vụ án này vướng quy định của pháp luật về trách nhiệm phân công giám định.
Ông Trí nêu rõ, Cơ quan VKSND đã xác định giai đoạn trước đây có hành vi vi phạm pháp luật (là hành vi bán vật chứng), đã có hậu quả nhưng hậu quả này cần được xác định cụ thể thì mới có thể xác định khung phạm tội để truy tố, xét xử. Trường hợp vụ án này, các cơ quan có thẩm quyền định giá đều có văn bản xác định "không thể xác định lô gỗ vật chứng trong vụ án buôn lậu vì vật chứng không còn", nếu không có căn cứ này thì không thể làm được.
"Có phải là có vùng cấm hay không?"
Tranh luận lại, đại biểu Thắng thắc mắc, tại sao cũng là một lô gỗ như thế mà các cơ quan tố tụng trong đó có VKSND tối cao lại căn cứ vào kết quả giám định do một tổ chức giám định đưa ra để giải quyết truy tố, xét xử các bị cáo. Vụ án hình sự này đã được giải quyết, bây giờ lại bảo rằng không có căn cứ để định giá lô gỗ đó, bản giám định trước đây để xử lý vụ án hình sự liệu có đảm bảo đúng pháp luật hay không?
"Tôi cũng biết rằng việc giám định này bây giờ không còn vật chứng nữa thì rất khó khăn nhưng không có nghĩa là không làm. Cho nên bằng cách nào đó tôi cũng rất mong muốn Viện trưởng với trọng trách của mình nên có sự chỉ đạo và vào cuộc để giải quyết dứt điểm vụ việc này, đem lại niềm tin cho người dân. Người ta bảo là người dân có vi phạm thì mình xử lý nhưng các cơ quan tố tụng vi phạm thì lại không được xử lý. Vậy có vùng cấm hay không, đây là câu chuyện người dân rất băn khoăn", ông Thắng bày tỏ.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Đức Thắng vào sáng nay (22/8), Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, trước đây khi giải quyết vụ án Trương Huy Liệu (cựu Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng - PV) về hành vi "Buôn lậu" thì vật chứng đang còn. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.Đà Nẵng thời điểm 2013 đã định lô gỗ giá 63 tỷ đồng, các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng kết quả định giá này để giải quyết vụ án và bản án đã có hiệu lực.
Sau khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bán toàn bộ lô gỗ là vật chứng của vụ án năm 2014 thì theo Công ty Ngọc Hưng, trị giá lô gỗ lớn hơn nhiều so với số tiền bán vật chứng. Đến năm 2019, cơ quan điều tra Viện KSNDTC đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi trái pháp luật liên quan đến việc bán vật chứng của vụ án.
Theo ông Lê Minh Trí, đây là trường hợp hành vi vi phạm của hai vụ án khác nhau ở hai thời điểm khác nhau, nên không có căn cứ lấy kết quả giám định của trường hợp này áp dụng cho trường hợp kia được. Tình huống thực tế này pháp luật chưa bao quát, chưa tiên liệu hết và chưa có quy định nên không thể thực hiện được.
Thời gian qua, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã trưng cầu định giá với Hội đồng định giá tài sản nhưng các cơ quan này đều trả lời không còn lô gỗ trên thực tế nên không thể định giá được, các cơ quan khác có liên quan về định giá cũng trả lời không đúng thẩm quyền, do đó chưa đầy đủ căn cứ, cơ sở pháp lý.
Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ, VKSND tối cao là cơ quan yêu cầu định giá và sử dụng kết quả định giá, không phải là cơ quan chỉ đạo công tác định giá.
Do vậy, VKSND tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và nghiên cứu khả năng để kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ định bộ chuyên ngành tiến hành định giá theo quy định tại điểm 4 Điều 6 Nghị định 30 ngày 3/7/2018 và điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định 97 ngày 23/12/2019 của Chính phủ để định giá giá trị lô gỗ này.
"Nếu kiến nghị được chấp thuận và thực hiện thì cơ quan điều tra VKSND tối cao sẽ có cơ sở để xem xét phục hồi điều tra vụ án theo quy định", ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.
"Bộ Tư pháp chỉ làm mỗi một việc"
Tiếp tục tranh luận lại ngay sau đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết, tại cuộc trả lời chất vấn chiều 21/8, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc định giá tài sản, vật chứng của vụ án gỗ trắc tại Quảng Trị và dường như ý kiến của Viện trưởng Viện KSNDTC vẫn là những vướng mắc về pháp luật, trách nhiệm của các bên có liên quan trong quá trình xử lý vụ việc.
Sau khi nêu vấn đề, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ ý kiến, sáng kiến trong việc giải quyết vụ việc trên nhằm giúp cho vụ việc sớm được giải quyết đúng quy định của pháp luật.
"Đây cũng là mong đợi của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân", ông Thắng bày tỏ.
Trả lời đại biểu Hoàng Đức Thắng về vụ án gỗ trắc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long cho biết "Bộ Tư pháp chỉ làm có mỗi một việc thôi".
Phó Thủ tướng cho biết, theo đề nghị, Bộ Tư pháp có Công văn số 83 ngày 12/1/2015 trả lời các cơ quan tố tụng, trong đó nêu rõ, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Kiểm lâm vùng 2 (Cục Kiểm lâm) có đủ điều kiện để tổ chức chuyên môn theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh giám định tư pháp để thực hiện trưng cầu theo quy định giám định của cơ quan tố tụng.
"Chúng tôi có công văn đấy từ năm 2015. Lúc đó, các việc liên quan đến giám định tư pháp, việc điều chỉnh trong pháp lệnh là phần duy nhất mà Bộ Tư pháp tham gia.
Thế còn suy nghĩ của tôi như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Viện kiểm sát, với các cơ quan tố tụng. Anh em chuyên môn sẽ nghiên cứu sâu, những vấn đề cần có ý kiến thì chúng tôi cũng sẽ bàn, sẽ tiếp tục phối hợp", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.