VKSND Tối cao trả lời những kiến nghị của cử tri Trà Vinh thế nào?

Phạm Hiệp Thứ hai, ngày 01/03/2021 19:00 PM (GMT+7)
VKSND Tối cao vừa trả lời kiến nghị của cử tri Trà Vinh gửi tới trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Bình luận 0

Cử tri cần đề xuất với Tòa Tối cao

Vụ trưởng Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp Phạm Thanh Từng vừa thừa lệnh Viện trưởng VKSND Tối cao ký văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh.

Theo văn bản trả lời kiến nghị của cử tri mà VKSND Tối cao gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, VKSND Tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh, do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, theo công văn số 386 ngày 29/10/2020.

Nội dung cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị như sau:

1. Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy định thế nào là người có nhược điểm về thể chất, người có nhược điểm về tâm thần được nêu tại điểm b, khoản 2, Điều 66 và tại điểm b, khoản 1, Điều 76 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

2. Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 229 và quy định tại Điều 173 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Cử tri Trà Vinh kiến nghị gì mà VKSND Tối cao cho rằng nên hỏi Tòa tối cao? - Ảnh 1.

VKSND Tối cao cho rằng, với nội dung kiến nghị số 1, cử tri tỉnh Trà Vinh cần đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân Tối cao. (Ảnh minh họa/Giang Huy - Báo Tin nhanh Việt Nam)

3. Đề nghị bổ sung thêm khoản 5 vào Điều 83, 84, cụ thể như sau:

+ Khoản 5, Điều 83 quy định: Thủ tục đăng ký Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 78 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

+ Khoản 5, Điều 84 quy định: Thủ tục đăng ký Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại Điều 78 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Về nội dung kiến nghị này, VKSND Tối cao đã có câu trả lời gửi tới cử tri tỉnh Trà Vinh.

Theo đó, về nội dung thứ 1, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, chỉ Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mới có thẩm quyền ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử.

Thông tư liên tịch của Viện trưởng VKSND Tối caoChánh án Tòa án nhân dân Tối cao với các bộ, ngành chỉ quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng.

"Do vậy, đối với nội dung kiến nghị nêu trên, VKSND Tối cao cho rằng cử tri cần đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân Tối cao" – VKSND Tối cao trả lời.

VKSND Tối cao ghi nhận kiến nghị của cử tri Trà Vinh

Về nội dung kiến nghị thứ 2 của cử tri tỉnh Trà Vinh, ngày 1/6/2020, VKSND Tối cao phối hợp với Toà án nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 01/2020, quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Cử tri Trà Vinh kiến nghị gì mà VKSND Tối cao cho rằng nên hỏi Tòa tối cao? - Ảnh 2.

Qua kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh, VKSND Tối cao ghi nhận và sẽ phản ánh tới cơ quan có thẩm quyền. (Ảnh minh họa)

Tại khoản 1, Điều 12 Thông tư liên tịch này đã hướng dẫn cụ thể: Sau khi có quyết định tạm đình chỉ vụ án, vụ việc, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, quyết định hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đã áp dụng".

Theo khoản 1, Điều 15 Thông tư liên tịch này, các cơ quan cần phải phối hợp, thống nhất với nhau để quyết định vấn đề này, trường hợp không thống nhất thì cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cùng cấp báo cáo với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cấp trên trực tiếp chỉ đạo giải quyết.

Theo đó, trường hợp có quyết định tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 229 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam.

Việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được thực hiện đến khi có kết quả.

Về nội dung kiến nghị thứ 3, mặc dù Bộ luật Tố tụng Hình sự không có quy định về thủ tục đăng ký hoặc cấp giấy chứng nhận cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự nhưng tại Thông tư số 46/2019 ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an, quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can;

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đã quy định rất cụ thể về thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 9).

Tuy nhiên, đây chỉ là văn bản quy phạm pháp luật đơn ngành, chỉ áp dụng trong hệ thống Cơ quan điều tra.

VKSND Tối cao ghi nhận kiến nghị nêu trên của cử tri để phản ánh với cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình tổng kết Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem