VN-Index “bốc hơi” 56,3 điểm: Pha “úp sọt” có chủ đích của nhà đầu tư lớn hay hệ thống bị lỗi (!?)
VN-Index “bốc hơi” 56,3 điểm: Pha “úp sọt” có chủ đích của nhà đầu tư lớn hay hệ thống bị lỗi?
Quốc Hải
Thứ tư, ngày 07/07/2021 09:35 AM (GMT+7)
"Hệ thống bị lỗi không?", "Nguyên nhân nào khiến thị trường giảm không ‘phanh’?" là những câu hỏi được nhà đầu tư nhắc đến trên khắp các diễn dàn, mạng xã hội về chứng khoán ngay sau phiên giao dịch hôm qua 6/7, khi VN-Index “bốc hơi” mất hơn 56,3 điểm…
Liên quan đến những thông tin này, ngay trong buổi tối cùng ngày, HoSE khẳng định hệ thống không lỗi nhưng những tin đồn về dịch bệnh, cùng lực bán tăng nhanh đã khiến nhà đầu tư hoảng loạn, ồ ạt bán tháo cuối phiên.
HoSE khẳng định không lỗi hệ thống
Theo HoSE, trong vòng 30 phút trước phiên ATC (tức 14-14h30), VN-Index đã giảm 27 điểm và khối lượng giao dịch giai đoạn đó đạt khoảng 147 triệu cổ phiếu. Tâm lý chốt lời để bảo vệ thành quả lợi nhuận sau giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh có thể được kích hoạt, dẫn đến chỉ số giảm tiếp tục.
Và chỉ trong 30 phút cuối phiên, thị trường trải qua đủ cung bậc cảm xúc. VN-Index từ sắc xanh chuyển sang sắc đỏ, rồi giảm sâu tới 56,3 điểm.
Trong VN30 đã có 7 mã giảm sàn như MBB, TPB, CTG, SSI, STB, TCB, VHM trong khi GAS, HDB, HPG, SBT, FPT cũng xoay chiều giảm trên 6%. Chỉ có những mã như VRE (0%), PNJ (+0,3%), VJC (+0,8%), NVL (+1,7%) đã "né" được sắc đỏ.
Các cổ phiếu Ngân hàng ngoài các mã trong VN30 thì OCB, MSB cũng giảm sàn còn ACB cũng giảm mạnh hơn 5%. Rất may, trụ VCB chỉ giảm nhẹ (-1,4%), nếu không, chắc chắn thiệt hại của thị trường phiên hôm nay sẽ còn lớn hơn nữa.
Phiên giảm điểm đã "thổi bay" hơn 240.000 tỷ vốn hóa TTCK Việt Nam, trong đó, riêng sàn HoSE bị "bốc hơi" 211.267 tỷ đồng (khoảng 9,2 tỷ USD).
Vào thời điểm này, nhiều nhà đầu tư đã đưa ra các giả thiết lý giải cho phiên giảm điểm nói trên với không ít thông tin cho rằng HoSE bị lỗi trong phiên ATC.
Liên quan đến những nghi ngờ của nhà đầu tư, ông Lê Hải Trà – Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) khẳng định, hệ thống mới hoạt động bình thường, không gặp bất cứ sự cố nào trong phiên giao dịch 6/7.
"Hôm qua, hệ thống xử lý hơn một triệu lệnh, còn hôm nay xấp xỉ 970.000 lệnh. Cả hai đều cao hơn công suất xử lý tối đa của hệ thống cũ và kém tương đối xa so với công suất thiết kế hiện tại", ông Trà nói.
Tổng Giám đốc HoSE cũng bác công văn lan truyền trên mạng xã hội về việc hệ thống giao dịch bị lỗi trong phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) và HoSE phải đối soát dữ liệu.
Pha "úp sọt" có chủ đích của nhà đầu tư lớn (!?)
Chia sẻ thêm với Dân Việt, nhiều chuyên gia cho rằng, đà giảm có thể xuất phát từ phản ứng thái quá của nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng đây là pha "úp sọt" của các nhà đầu tư lớn.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, không có nhiều khả năng TTCK giảm mạnh là do hệ thống bị lỗi, mà do động thái bán xuống của các nhà đầu tư lớn có chủ đích. Lý do là vì, nếu hệ thống bị lỗi thì có thể lỗi ở mặt nào đó, chứ không thể lỗi ở chỗ chiều bán thì được nhưng mua thì không được.
Ví dụ, nếu hệ thống bị lỗi (thường là quá tải), nhà đầu tư vô lệnh đến một đoạn nào đó thì không vô được nữa, giống như thời gian vừa qua. Chứ không có thể diễn ra một chiều, trong khi suốt buổi sáng thì diễn ra bình thường.
"Ở phiên định kỳ (phiên 1) thị trường vẫn tốt, sang phiên chiều (phiên 2) hệ thống vẫn ổn, cho nên xác suất hệ thống bị lỗi là rất nhỏ", ông Phương đánh giá.
Theo ông Phương, nguyên nhân khiến thị trường bị sụp trong ngày 6/7 khiến VN-Index "bốc hơi" hơn 56,3 điểm là do: Thứ nhất, nhà đầu tư lớn bán có chủ đích. Lý do họ bán là từ trước tới nay, phiên 3 là phiên gần như họ không bán được, vì phiên 3 thường hay nghẽn lệnh, mà muốn bán định hướng thị trường xuống thì phải có phiên bán dập, bán tống, bán tháo. Do hệ thống hiện nay đã trở lại bình thường nên các nhà đầu tư lớn bắt đầu ra tay… "chơi chiêu".
"Sự việc này cũng giống như dịp trước tết, khi thị trường giảm 76 điểm trong một phiên. Nghĩa là đầu tiên họ sẽ tạo một tâm lý hoảng loạn cho các nhà đầu tư để nhà đầu tư bán tháo theo. Sau đó, đến phiên hôm sau (hôm nay hoặc ngày mai…) thì hiện tượng Forcell sẽ xảy ra, do các nhà đầu tư có dùng margin cũng trở tay không kịp, dẫn đến sẽ bị bán giải chấp. Các công ty chứng khoán sẽ bán bất chấp bằng các lệnh ATO, bán MP ở phiên liên tục, bán lệnh ATC… như vậy dẫn đến lực bán sẽ mạnh hơn và thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm nhiều hơn. Lúc đó, nhà đầu tư lớn sẽ mua vào", ông Phương giải thích.
Một nguyên nhân nữa, theo ông Phương, đó là hôm qua thị trường mon men đẩy lại tin đồn TP chuẩn bị "lockdown", mượn tin này để "đạp" thêm thị trường.
Lời khuyên cho nhà đầu tư trong phiên hôm nay, theo ông Phương, là phải bình tĩnh, không nghe tin đồn, phải tìm hiểu kỹ lý do vì sao thị trường giảm. Thứ hai, nhà đầu tư nên xem xét lại danh mục đầu tư của mình, nếu đã lựa chọn những cổ phiếu tốt đang nắm giữ thì không có gì phải hoảng loạn, vì thị trường dù rung lắc hay sụt giảm thì cũng sẽ hồi phục lại.
Trong trường hợp trong danh mục nhà đầu tư có những cổ phiếu chưa tốt do mua hơi vội thì có thể xem xét đảo danh mục, bán đi những cổ phiếu này để rồi nhân lúc thị trường đang xuống mà mua vào những cổ phiếu tốt, có nền tảng và tiềm năng tăng trưởng.
"Những cổ phiếu tốt này khi thị trường tăng trưởng trở lại thì sẽ tăng mạnh hơn những cổ phiếu thường. Còn những nhà đầu tư đang nắm tiền mặt nhiều thì đây là lúc nên cân nhắc giải ngân vào những cổ phiếu tốt. Đây là cơ hội để mua vào những cổ phiếu tốt khi thị trường giảm điểm", ông Phương chốt lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.