Vụ án ông Vũ Huy Hoàng: Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn, có ảnh hưởng đến việc xét xử?

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 17/09/2020 11:23 AM (GMT+7)
Trong vụ án liên quan đến ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, luật sư cho rằng nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn không làm ảnh hưởng đến việc đưa vụ án ra xét xử.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tuy nhiên thời điểm tống đạt quyết định khởi tố bà Thoa đã bỏ trốn, do đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can đối với bà Thoa, chờ bắt giữ được sẽ xử lý theo quy định.

Cùng bị khởi tố với bà Thoa có ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương và ông Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương).

Vụ cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn: Có ảnh hưởng đến vụ án? - Ảnh 1.

Bà Hồ Thị Kim Thoa (ảnh IT).

Ngoài bà Thoa, trước đó, rất nhiều bị can trong các vụ án lớn cũng từng bỏ trốn hoặc bị truy nã khi cơ quan tố tụng ra quyết định khởi tố như: Vụ bị can Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) bị khởi tố về tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Xác định Huy bỏ trốn, C03 phát lệnh truy nã đối với bị can này.

Hay vụ việc cựu TGĐ Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí bỏ trốn. Tháng 5/2008, sau khi ra quyết định khởi tố bị can và xác định bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với Vũ Đình Duy, cựu TGĐ Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí, về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã đặc biệt đồng thời đề nghị tổ chức Interpol truy nã quốc tế.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trường Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho hay, đến nay, bị can Hồ Thị Kim Thoa vẫn đang bỏ trốn.

Thời hạn điều tra vụ án đã hết và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa.

Tuy nhiên, theo luật sư Bình, việc bị can Thoa bỏ trốn không làm ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án. Cơ quan chức năng sẽ tách vụ án, xét xử những bị can đã bắt được trước. 

Còn khi nào bắt được bị can Thoa sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật sau. Việc tách vụ án để xét xử là phụ hợp với quy định của pháp luật.

Luật sư Bình cho hay, việc nhập hoặc tách vụ án sẽ góp phần tiết kiệm chi phí tố tụng, thời gian tiến hành tố tụng và bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Cùng với quy định về chuyển vụ án để điều tra, Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định về việc nhập và tách vụ án trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

Vụ cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn: Có ảnh hưởng đến vụ án? - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Cụ thể, trong giai đoạn điều tra, Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định, Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: "Bị can phạm nhiều tội; Bị can phạm tội nhiều lần; Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có".

Còn trong giai đoạn truy tố, tại Điều 242 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định việc nhập hoặc tách vụ án, cụ thể như sau: Viện kiểm sát quyết định nhập vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: " Bị can phạm nhiều tội; Bị can phạm tội nhiều lần; Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có".

Đối với việc tách vụ án hình sự, yêu cầu đối với các "Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án".

Đối với Viện kiểm sát quyết định tách vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can: "Bị can bỏ trốn; Bị can mắc bệnh hiểm nghèo; Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh".

Theo luật sư Bình, điều 219 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định rất rõ về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Với hành vi phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như sau:

1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem