Giá xăng sẽ 'bay' mốc 24.000 đồng/lít vào ngày mai?

Thứ năm, ngày 20/04/2023 21:07 PM (GMT+7)
Trước xu hướng giảm mạnh của giá xăng dầu thế giới, giá xăng trong nước dự báo giảm 350 - 450 đồng/lít về mức dưới 24.000 đồng/lít trong kỳ điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính vào ngày mai (21/4).
Bình luận 0

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương (cập nhật đến ngày 12/4) cho thấy, giá xăng RON 95 giao dịch ở mức 103,61 USD/thùng, xăng RON 92 giao dịch 100,39 USD/thùng, dầu diesel giao dịch 98,49 USD/thùng. Mức giá này giảm khoảng 1 - 2 USD/thùng so với bình quân trong kỳ điều hành lần trước.

Trong khoảng 10 ngày trở lại đây, giá dầu thô tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung có xu hướng quay đầu giảm nhẹ. Ghi nhận trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (20/4) tiếp đà giảm từ 2 phiên trước. Giá dầu thô Brent hiện giao dịch ở mốc 82 USD/thùng. Còn giá dầu WTI xuống ngưỡng 79 USD/thùng (giảm khoảng 6 - 7 USD/thùng so với ngày 12/4).

Trước xu hướng giảm mạnh của giá xăng dầu thế giới, theo các doanh nghiệp, nhiều khả năng giá xăng ngày mai có thể giảm khoảng 350 - 450 đồng/lít, dầu diesel giảm khoảng 400 - 600 đồng/lít. Mức điều chỉnh phụ thuộc vào quyết định sử dụng quỹ bình ổn của cơ quan điều hành.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng nhận định giá xăng có thể quay đầu giảm về dưới 24.000 đồng/lít vào kỳ điều hành ngày mai. Mức chiết khấu xăng dầu nhiều kho đang tăng dần đang từ 1.050 - 1.550 đồng/lít.

Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ quay đầu giảm sau 2 lần tăng liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã 11 có đợt điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Giá xăng sẽ 'bay' mốc 24.000 đồng/lít vào ngày mai? - Ảnh 2.

Giá xăng dự báo giảm vào ngày 21/4 (Ảnh: Như Ý).

Hiện giá bán lẻ xăng E5 RON 92 là 23.173 đồng/lít; xăng RON 95 24.245 đồng/lít. Còn dầu diesel bán lẻ ở mức 20.149 đồng/lít; giá dầu hỏa 17.739 đồng/lít; dầu mazut 15.194 đồng/kg.

Trong phiên giao dịch chiều 20/4, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống khi đồng USD mạnh lên giữa những đồn đoán lãi suất tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, số liệu kinh tế gần đây của Mỹ và Trung Quốc cũng không đủ để khuyến khích dự báo  nhu cầu sẽ cải thiện.

Vào lúc 13 giờ 15 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 78 xu Mỹ (0,94%) xuống 82,34 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giảm 95 xu Mỹ (1,2%) xuống 78,21 USD/thùng.

Giá cả hai mặt hàng trên đều giảm phiên thứ hai sau khi giảm 2% trong phiên 19/4 và đang ở mức thấp nhất kể từ khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, còn gọi là OPEC+, bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng vào ngày 2/4.

Giá dầu WTI đã quay trở lại dưới mốc 80 USD/thùng và có thể tiếp tục giảm xuống khi đồng USD tăng mạnh hơn.

Chỉ số USD đã tăng khoảng 0,4% từ đầu tuần đến nay. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ đồng tiền khác.

Đồng USD mạnh đã gây sức ép lên thị trường dầu mỏ trong tuần này trước khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất và lợi suất trái phiếu bắt đầu tăng trở lại.

Mặc dù Trung Quốc báo cáo số liệu GDP tốt hơn mong đợi, số liệu yếu hơn về sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định không giúp thúc đẩy giá dầu.

Một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 19/4 cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ ít thay đổi trong những tuần gần đây, với tăng trưởng việc làm giảm nhẹ và tốc độ tăng giá chậm lại.

Công ty nghiên cứu và tư vấn ANZ Research lưu ý số liệu trên làm gia tăng những lo ngại gần đây rằng chính sách thắt chặt tiền tệ đã làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu. Trong khi đó, thị trường phớt lờ báo cáo về dự trữ dầu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Theo EIA, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước do nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu và sự gia tăng hoạt động xuất khẩu.

P.V (t/h)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem