Ở Việt Nam này, khi ly hôn, 99% đàn ông đều tái hôn còn phụ nữ thì quá nửa là ở vậy. Con số này có vẻ hơi cảm tính nhưng có từ hàng trăm câu chuyện của phụ nữ ly hôn mà tôi biết thì có thể tạm tổng kết như vậy.
Người phụ nữ ly hôn ở tuổi 30-40 thường "cắn răng" để nuôi con khôn lớn. Họ sợ nếu họ đi bước nữa thì sẽ chẳng người đàn ông nào yêu thương hết lòng vì con của họ. Họ cũng sợ những đứa con sẽ trạnh lòng, tổn thương.
Nên nhiều người, dù cô đơn, dù muốn được yêu thương, chăm sóc cũng đành "nén chặt" nỗi lòng của mình lại.
Nhưng cũng có thể vì lý do nữa là họ đã quá tổn thương từ cuộc hôn nhân trước. Họ cần thời gian để hàn gắn vết thương chằng chịt trong trái tim, hằn sâu trong trí óc, thậm chí là cả các vết sẹo trên cơ thể do người chồng để lại.
Thời gian để vết thương lành không có mẫu số chung. Có người cần vài tháng, có người 1 vài năm nhưng có người tuổi xuân trôi qua mà họ vẫn chưa hết đau thương, bàng hoàng. Họ xù lông nhím để chống chọi lại với khó khăn, vất vả khi sống một mình hoặc làm mẹ đơn thân.
Cũng có thể, họ quá bận rộn khi phải chăm sóc, nuôi dạy, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của mình và con. Bận rộn đến mức mệt mỏi, đến mức chẳng có sức lực, có tâm trí đâu mà chăm sóc bản thân, mà hò hẹn. Một người đàn ông dù thích người phụ nữ đến đâu mà ngỏ lời muốn đi cà phê, đi ăn mà cô ấy cứ khất bận hoặc ngồi chưa nóng chỗ đã đòi về thì ai còn dám thích, dám rủ.
Yêu đương là một việc tốn thời gian và công sức. Còn những người phụ nữ bận bịu thường không có cả hai điều này.
Nhưng khi con lớn, mẹ đơn thân ngấp nghé tuổi 50 sẽ thấy rất cô đơn, họ muốn tìm một người đàn ông làm bạn, cùng chia sẻ với họ vui buồn trong cuộc sống. Những niềm vui nỗi buồn này không thể chia sẻ với con cái hay bạn bè. Hoặc con cái, bạn bè cũng bận để ngồi nghe họ nói.
Nhưng hành trình tìm kiếm này rất nhiều người thất bại! Tại sao vậy?
Tái hôn chỉ nửa năm đã chạy mất dép
Hôm qua, tôi ngồi nói chuyện với một chị Hồng (48 tuổi), một người giúp việc theo giờ của hàng xóm. Ngồi nói chuyện mới ngạc nhiên vì chị sống ở ngoại thành, nhà cửa rộng rãi, hai con lớn đã đi làm, thừa sức nuôi mẹ. Chị cũng tích cóp được không ít, cuộc sống không thiếu thốn.
Nhưng chị bảo chị thích đi dọn dẹp, coi như tập thể dục mà lại kiếm được tiền, lại có người trò chuyện, cuộc sống vui vẻ hơn nhiều.
Chị ly hôn cách đây 17 năm, khi đó con chị 2 đứa mới 10 và 8 tuổi. Lúc đó, chị mới 31 tuổi, nhan sắc còn mặn mà, có không ít người đàn ông đến ngỏ lời, muốn cưới chị. Nhưng chị không dám tái hôn, chị sợ các con tổn thương.
"Con lớn rồi chúng nó đi biền biệt mới thấy buồn. Giờ thì muốn cưới cũng chẳng tìm được người thật lòng", chị Hồng thở dài.
Chị bảo, nhiều người cũng giới thiệu cho chị vài người đàn ông khoảng 60-65 tuổi nhưng chỉ ít lâu chị đã chạy "mất dép". Mà tất cả đều chỉ có 1 nguyên nhân.
"Mấy năm trước, tôi đi dọn nhà cho một nhà giàu có. Con cái cũng đi làm xa hết, ở nhà có ông bố 60 tuổi. Ông Thành này trước làm lãnh đạo to to nên kinh tế khả giả. Sau một thời gian tôi qua lại dọn dẹp, còn giúp nấu ăn, ông này tỏ ý rất thích tôi.
Tôi thấy ông ấy cũng thẳng thắn nên cũng xuôi xuôi. Dù tôi còn băn khoăn nhưng ông ấy đã nằng nặc muốn tôi về ở chung. Con cái hai bên không phản đối nên chúng tôi làm bữa cơm giữa hai họ, coi như thành hôn.
Về đến nhà thì mọi việc dọn dẹp, cơm nước, chăm sóc ông Thành đều một tay tôi cáng đáng. Ông Thành từng bị tai nạn giao thông, trời mưa là đau nhức vết thương cũ, nằm rên hừ hừ. Ông ấy còn bị tiểu đường, huyết áp cao... Chế độ ăn uống, sinh hoạt, thuốc men của ông ấy rất chặt chẽ... Ông ấy còn không biết cố gắng, thường xuyên bày bừa, đau một chút là rên hừ hừ, bắt phục vụ tận giường.
Đáng nói là về bệnh tật của ông Thành trước khi về sống chung tôi không hề biết. Ông ấy giấu tiệt. Lúc đi chơi với tôi quần là áo lượt, nom khỏe mạnh, sáng láng lắm.
Chăm sóc một thời gian tôi rất mệt mỏi nên bực bội bảo: "Ông gọi con ông về chăm sóc hoặc thuê người, chứ tôi chịu hết nổi".
Thế là ông ấy cũng sừng cồ lên bảo: "Cưới vợ về không phải để chăm sóc lẫn nhau à. Tôi không ốm đau thì tôi cưới vợ về làm gì? Trước cô làm giúp việc cũng làm tất có kêu gì đâu. Nếu cô cần thì tôi sẽ trả lương cho cô".
Ô, hóa ra cưới tôi về chỉ để hầu bệnh tật ông ấy à! "Chăm sóc lẫn nhau" nhưng tôi có được ông ấy "dí' cho cái ngón tay nào. Tôi mệt mỏi phàn nàn tí là ông ấy cáu bẳn. Tôi mãn kinh thường nóng lạnh giữa đêm, đạp chăn ra ông ấy còn ghét bỏ, nói tôi phiền phức...
Ông ấy cưới tôi về để làm Osin không công cho ông ta, lại còn thi thoảng được ngủ miễn phí. Khôn thế quê tôi đầy. Thế là tôi vứt toẹt tất cả, bỏ về nhà. Cũng may còn chưa đi đăng ký kết hôn".
Sau này nhiều người cũng giới thiệu cho chị vài ông 60-65 tuổi nhưng qua lại vài lần đều vội vã muốn chị về sống chung để nấu cơm, dọn nhà cho họ... Thế là chị chạy mất dép.
"Tôi cứ tơ tưởng vào cái gọi là tình cảm về già, chia sẻ với nhau cho đỡ cô đơn. Nhưng với đàn ông họ chả cần điều đó đâu. Lúc khỏe họ ra đường chia sẻ với bạn bè, với quán bia. Lúc ốm họ lại lăn ra ăn vạ mình. Mình chả dại".
Tại sao đàn ông trung niên muốn tái hôn?
Câu chuyện của chị Hồng khiến tôi nhớ đến nghịch lý ở Câu lạc bộ Tìm bạn đời mà tôi từng phụ trách. Hàng trăm người cô đơn, đa số là tuổi từ 28-75 và thường có một câu chuyện rất khó giải quyết.
Đó là phụ nữ ở tuổi 28-35 muốn tìm một anh tầm 35-50 để kết hôn nhưng đàn ông tuổi 35-50 lại chỉ thích cặp kè chưa muốn ràng buộc, muốn tấp tểnh chơi bời, yêu đương khi còn đang sung sức. Nên các cặp đôi dù đã ưng ý nhưng chỉ một thời gian vì mục đích yêu đương, kết hôn không hòa hợp nên chia tay.
Còn các chị 45-60 chỉ muốn tìm một người đàn ông để làm bạn tình, chia sẻ các thú vui trong cuộc sống thì các anh tầm 65-75, thậm chí 80 lại hớt hải tìm người để kết hôn. Cho nên các chị nghe đối phương muốn kết hôn là ghét bỏ...
Đó là vì các chị tuổi xế chiều không muốn cưới một ông già có thể nhiều bệnh tật "để về hầu", còn nam cao tuổi lại muốn cưới về để có người chăm sóc.
Chính vì nghịch lý này nên nhiều khi các anh chị tìm mãi không được đối tượng như ý.
Điều này cho thấy, đàn bà tái hôn ở tuổi trung niên là vì muốn tìm người cho bớt cô đơn, còn đàn ông tuổi trung niên, cao tuổi tái hôn vì muốn tìm "vú em", "bảo mẫu", "người giúp việc" cao cấp cho mình mà thôi.
Họ cần một người lo cho họ 1 ngày 3 bữa cơm, nấu thuốc, đấm lưng cho họ khi họ đau yếu, giải quyết các vấn đề rắc rối về sức khỏe cho họ.
Mục đích không hòa hợp nên không ít đôi tái hôn được một thời gian lại chia tay.
Gợi ý cho những ai muốn tái hôn tuổi trung niên
Tôi cũng không "vơ đũa cả nắm" rằng những cặp vợ chồng tái hôn ở tuổi trung niên là không có tình cảm thực sự.
Nhưng rõ ràng mối quan hệ của họ có nhiều mâu thuẫn tồn tại ngay trước khi họ kết hôn.
Vì vậy, các chị muốn tái hôn cần suy nghĩ kỹ và trà lời 3 câu hỏi sau:
1. Bạn mong muốn điều gì từ cuộc hôn nhân này?
2. Người đàn ông kia có thể cho bạn những gì?
3. Bạn có thể đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của anh ta không và ở mức độ nào?
Nếu như câu trả lời không phải là những điều bạn mong muốn và bạn không thể thỏa hiệp, nhượng bộ đối phương thì có lẽ bạn nên tiếp tục dừng ở việc yêu đương mà đừng vội kết hôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.