Xót xa những đứa trẻ làng rừng tỉnh Bạc Liêu làm phận "cò non", phải vào rừng xuống biển làm việc này

Thứ sáu, ngày 09/10/2020 09:00 AM (GMT+7)
Đi dọc theo các cụm, tuyến dân cư ven theo các cửa biển, cửa sông của tỉnh Bạc Liêu không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học hàng ngày vẫn phải cùng cha mẹ vào rừng, xuống biển tìm kế mưu sinh.
Bình luận 0

 Chuyện học hành của các em đành phải bỏ dở khi mà gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền đã sớm nặng trĩu trên thân “cò non”.

Cứ tầm 14 - 15 giờ, khi triều cường bắt đầu rút thì cũng là lúc từng nhóm người nhanh chân len lỏi vào rừng để bắt đầu cuộc mưu sinh. 

Trong dòng người vào “xin” lộc rừng có không ít những ngư dân nhí. Dưới cái nắng gay gắt như thiêu như đốt, nhưng các em vẫn quần đùi, áo cộc tay, trên đầu là chiếc mũ lưỡi trai, nên trông đứa nào cũng đen nhẻm, mồ hôi nhễ nhại.

Xót xa những đứa trẻ làng rừng tỉnh Bạc Liêu làm phận "cò non", phải vào rừng xuống biển làm việc này - Ảnh 1.

Trẻ em làng rừng ở các cụm, tuyến dân cư ven theo các cửa biển, cửa sông của tỉnh Bạc Liêu bán các sản vật thu nhặt được sau một ngày băng rừng, lội mương. Ảnh: C.L

Em Kim Vũ Trường (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) rụt rè nói: “Con học đến lớp 7 rồi, nhưng vì gia đình nghèo, cha mẹ phải lo cho các em nữa nên con đành nghỉ học. Hàng ngày, trong khi các bạn đến trường thì con phải vô rừng tìm sản vật bán kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi em, nhiều khi trên đường đi - về gặp các bạn học cũ con buồn lắm...".

"Sau này, nếu gia đình có điều kiện, con sẽ tiếp tục đi học lại, con muốn trở thành thầy giáo để dạy cho các em nhỏ có hoàn cảnh nghèo khó, không được đến trường như con bây giờ”, Trường thổ lộ.

Tuy đã 13 tuổi nhưng trông Trường gầy gò, nhỏ thó như học sinh tiểu học. Công việc của Trường bắt đầu từ sáng sớm cho đến khi ánh nắng cuối ngày tắt hẳn. Mỗi ngày, sau nhiều giờ xuyên rừng, lội mương để mò ốc, bắt nghêu, bắt cá, hôm nào “bội thu” thì Trường kiếm được khoảng 70.000 - 100.000 đồng. 

Chị Lý Thị Phương - mẹ của Trường ngậm ngùi chia sẻ: “Vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, không thể lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Hàng ngày, nhìn con theo mình lặn lội vào rừng kiếm tiền phụ giúp gia đình, tôi xót xa lắm. Giờ chỉ mong sao con mình khỏe mạnh, chăm chỉ lao động, biết lễ phép với mọi người là tôi vui rồi”.

Cũng vì gia cảnh khó khăn mà em Nguyễn Thị Bé (15 tuổi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) không được đến trường như bạn bè trang lứa mà phải cùng mẹ lao động kiếm sống. Hàng ngày, sau vài giờ lặn lội tìm sản vật của rừng, Bé lại cùng mẹ phụ giúp những việc lặt vặt trong xóm, ai thuê gì làm nấy, miễn sao có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. 

Bé chia sẻ: “Con rất muốn được đi học nhưng nhà con nghèo quá, không có điều kiện. Vì vậy nên bây giờ con sẽ cố gắng làm và dành dụm để có tiền đi học nghề, cuộc sống ổn định hơn”.

Ngoài việc không đủ điều kiện cho con em học hành đến nơi đến chốn thì vẫn còn nguyên nhân là nhiều bậc cha mẹ không coi trọng việc học hành của con em. Nhưng nếu bỏ dở việc học, các em lại tiếp tục bước vào vết xe đổ của cha mẹ, luẩn quẩn trong cái vòng nghèo đói - thất học - không lối thoát với những giấc mơ dang dở...

Chí Linh (Báo Bạc Liêu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem