Xuất hiện bằng chứng cáo buộc nhóm lính đánh thuê Wagner tham gia cuộc xung đột Sudan

Lê Phương (CNN) Thứ sáu, ngày 21/04/2023 18:08 PM (GMT+7)
Nhóm lính đánh thuê Nga Wagner đã cung cấp tên lửa cho Lực lượng hỗ trợ nhanh của Sudan (RSF) trong cuộc chiến chống lại quân đội của đất nước, các nguồn tin ngoại giao của Sudan và khu vực chia sẻ với CNN.
Bình luận 0
Xuất hiện bằng chứng nhóm lính đánh thuê Wagner tham gia cuộc xung đột Sudan - Ảnh 1.

Cận cảnh máy bay vận tải Ilyushin-76 của Nga tại căn cứ không quân al-Jufra của Libya vào ngày 16/4/2023. Ảnh: MAXAR

Các nguồn tin cho biết các tên lửa đất đối không đã hỗ trợ đáng kể cho các chiến binh bán quân sự của RSF và thủ lĩnh của họ là Mohamed Hamdan Dagalo khi ông này tranh giành quyền lực với Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu lực lượng vũ trang của Sudan.

Theo những hình ảnh vệ tinh ở biên giới Libya, vị tướng được Wagner hậu thuẫn, Khalifa Haftar đã tăng cường kiểm soát các vùng đất, cho thấy một sự gia tăng bất thường trong hoạt động tại các căn cứ của Wagner.

Nhóm lính đánh thuê của Nga đã đóng một vai trò công khai và then chốt trong các chiến dịch quân sự ở nước ngoài của Moscow, cụ thể là ở Ukraine. 

Dagalo và Burhan đã tranh giành quyền lực trong các cuộc đàm phán về việc khôi phục quyền lãnh đạo dân sự ở Sudan. Sau đó các cuộc đàm phán đổ vỡ, dẫn đến một số vụ bạo lực tồi tệ nhất mà đất nước từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ.

Các cuộc giao tranh đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và khiến hàng triệu người không có điện, nước và lương thực.

Hoạt động gia tăng

Các hình ảnh vệ tinh do CNN và nhóm nguồn mở "All Eyes on Wagner" phân tích cho thấy một máy bay vận tải của Nga đang di chuyển giữa hai căn cứ không quân quan trọng của Haftar ở Libya và được sử dụng bởi nhóm Wagner.

Các nguồn tin cho biết Haftar đã ủng hộ RSF, mặc dù ông phủ nhận việc đứng về phía nào. Và hoạt động gia tăng của Wagner tại các căn cứ của Haftar, kết hợp với các tuyên bố của các nguồn ngoại giao khu vực và Sudan, cho thấy cả Nga và tướng Libya có thể đã chuẩn bị hỗ trợ RSF ngay cả trước khi bạo lực nổ ra.

Theo hình ảnh vệ tinh và chuyên gia nguồn mở Gerjon có trụ sở tại Hà Lan, việc máy bay vận tải Ilyushin-76 tăng cường di chuyển từ hai ngày trước khi cuộc xung đột ở Sudan bắt đầu.

Chiếc máy bay này, một trong những loại máy bay được NATO định danh là Candid, đã bay từ căn cứ không quân Khadim của Haftar ở Libya đến thành phố ven biển Latakia của Syria – nơi Nga có một căn cứ không quân lớn – vào ngày 13/4. Ngày hôm sau, nó đã bay từ Latakia trở lại Khadim. Hôm sau nữa, nó lại bay đến một căn cứ không quân khác của Haftar ở Jufra, Libya. Máy bay đậu ở một khu vực hẻo lánh. Đó là ngày xung đột nổ ra.

Theo nghiên cứu của Gerjon, máy bay vận tải đã quay trở lại Latakia hôm 18/4 trước khi bay trở lại căn cứ không quân Libya ở Khadim và sau đó đến Jufra. Ngày hôm đó, Nga đã thả tên lửa đất đối không xuống các vị trí dân quân của Dagalo ở tây bắc Sudan, theo các nguồn tin khu vực và Sudan.

Trong nhiều năm, Dagalo là người hưởng lợi chính từ sự tham gia của Nga ở Sudan, với tư cách là người nhận vũ khí và đào tạo chính từ Moscow.

Một cuộc điều tra của CNN vào tháng 7 năm 2022 cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Moscow và giới lãnh đạo quân sự của Sudan, những người đã cho phép Nga tiếp cận nguồn vàng giàu có của quốc gia Đông Phi này để đổi lấy sự hỗ trợ về quân sự và chính trị. Mối quan hệ này bắt đầu một cách nghiêm túc sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014, khi Nga bắt đầu coi trữ lượng vàng ở châu Phi như một con đường để lách một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.

Chiến dịch Ukraine năm 2022 và làn sóng trừng phạt diễn ra sau đó đã đẩy nhanh hoạt động khai thác vàng của Nga ở Sudan và tiếp tục củng cố chế độ quân sự, làm gia tăng hoạt động của Wagner ở quốc gia này.

Vào một ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine năm 2022, Dagalo đã dẫn đầu một phái đoàn Sudan tại Moscow để "thúc đẩy quan hệ" giữa hai nước.

Burhan và quân đội Sudan trước đó cũng nhận được sự hỗ trợ từ Nga. Burhan và Dagalo là đồng minh trước khi bắt đầu cuộc chiến. Họ đã cùng nhau lãnh đạo các cuộc đảo chính vào năm 2019 và 2021. Cả hai nhà lãnh đạo trước đây cũng được UAE và Ả Rập Saudi hậu thuẫn.

Cả hai cường quốc Trung Đông đều kêu gọi bình tĩnh ở Sudan, trong bối cảnh lo ngại về những hậu quả lớn hơn trong khu vực.

Tuy nhiên, các tác nhân nước ngoài đã bắt đầu can thiệp vào cuộc xung đột. Ai Cập có mối quan hệ lâu dài với Burhan và đã ủng hộ ông này trong cuộc tranh giành quyền lực, theo các nguồn tin ngoại giao của Sudan và khu vực. Một nhóm binh sĩ Ai Cập đã bị RSF bắt tại một sân bay quân sự ở miền bắc Sudan vào ngày đầu tiên của cuộc bạo động và được thả vài ngày sau đó.

Trong một tuyên bố với CNN, RSF phủ nhận việc nhận viện trợ từ Nga và Libya. Cả Haftar và người đứng đầu Wagner, Yevgeny Prigozhin đều không trả lời các yêu cầu bình luận của CNN.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem