Dòng tiền bẩn từ đánh bạc online được “rửa” thế nào?

Minh Phong Thứ ba, ngày 13/03/2018 10:04 AM (GMT+7)
Theo phân tích của luật sư, tội phạm rửa tiền tại Việt Nam hiện có rất nhiều “chiêu” để đối phó với cơ quan chức năng nhằm che giấu khoản thu nhập bất hợp pháp.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 11.3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa (sinh năm 1958, nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) về tội Tổ chức đánh bạc.

Trước đó, Công an tỉnh Phú Thọ đã điều tra, khởi tố vụ án Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Mua bán trái phép hóa đơn và Rửa tiền xảy ra tại tỉnh này và một số địa phương khác.

img

Bị cáo Giang Kim Hiền trong vụ án Giang Kim Đạt, đây là vụ án được coi là điển hình về tội phạm tham nhũng, rửa tiền. 

Vậy hành vi đánh bạc trên mạng internet và hoạt động rửa tiền có liên quan với nhau như thế nào?

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết trong Bộ luật hình sự hai tội đánh bạc và rửa tiền tách biệt với nhau. Nhưng trong thực tế, hoạt động rửa tiền và đánh bạc có liên quan với nhau.

Theo Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực từ năm 2013: Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.

Bao gồm: Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự; Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Trong vụ án có sự tham gia của ông Nguyễn Thanh Hóa – nguyên Cục trưởng Cục C50, theo luật sư dòng tiền bẩn cần được các đối tượng “rửa” chính là khoản thu nhập bất hợp pháp lên đến hàng nghìn tỷ từ việc kinh doanh đánh bạc online.

Bởi việc kinh doanh trò chơi “game ảo – tiền thật” thực chất là hoạt động đánh bạc trên internet bất hợp pháp. Khoản tiền các đối tượng thu được từ đây không thể coi là tài sản hợp pháp, không thể minh bạch được, vì vậy phải tìm cách để rửa, che giấu hành vi phạm pháp.

“Họ phải có hệ thống gửi tiền để rửa các khoản tiền bẩn. Họ phải thực hiện các hoạt động tài chính để che đậy khoản thu nhập bất thường đó. Có thể là mở nhà hàng kinh doanh, buôn bán bất động sản, đầu tư chứng khoán, thậm chí là mua lại vé số trúng thưởng, … nhưng đó chỉ là bề ngoài để che đậy hoạt động mờ ám, che giấu số tiền không minh bạch nhằm chuyển tiền bẩn thành tiền có nguồn gốc” – luật sư Thái nói.

img

Ông Nguyễn Thanh Hóa (phải) và Phan Sào Nam (áo trắng) đã bị khởi tố trong vụ án đang được Công an Phú Thọ điều tra.

Trong vụ án đang được Công an Phú Thọ điều tra, theo luật sư, bình phong có thể được các đối tượng dùng để rửa tiền chính là các công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến.

Bộ luật Hình sự 1999 quy định, tội Rửa tiền có thể bị phạt tiền đến 3 lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội; hoặc bị phạt tù đến 15 năm. Hình phạt bổ sung gồm tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản và cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề từ 1 đến 5 năm.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho  rằng: “Từ dòng tiền đánh bạc bất hợp pháp, các cá nhân tham gia phải tìm cách chứng minh khoản thu nhập đó là hợp pháp. Họ có thể là người đứng tên công ty hoặc người thân mở công ty, mua đi bán lại bất động sản”.

Cũng theo luật sư Thái, theo luật phòng chống rửa tiền, nhiệm vụ theo dõi, phát hiện các giao dịch đáng ngờ, dòng tiền bất minh đã được giao cho các cơ quan chức năng thực hiện.

Vụ án điển hình về rửa tiền

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội cuối 10.2016, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, vụ Giang Kim Đạt là điển hình của tội tham nhũng, rửa tiền, …

Thượng tướng Lê Quý Vương cho hay, bị can Giang Văn Hiền bị truy tố tội rửa tiền. Đây là trường hợp điển hình, rất ít khi áp dụng tại Việt Nam. Chúng ta đang cố gắng thực hiện tốt Công ước quốc tế. Thượng tướng Lê Quý Vương cũng nhận định, vụ án Giang Kim Đạt là điển hình của tội phạm tham nhũng và rửa tiền.

"Chính vì thế quyết tâm cao của lực lượng công an, dù vụ Giang Kim Đạt đã xảy ra từ lâu, sau khi phạm tội đối tượng Giang Kim Đạt bỏ trốn ra nước ngoài, lực lượng công an phải truy bắt rất vất vả”, ông Lê Quý Vương cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem