Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã đưa ra vấn đề kinh doanh vận tải giữa Uber, Grab và loại hình taxi truyền thống hiện nay.
Liên quan đến việc Toà án châu Âu phán quyết Uber là dịch vụ taxi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải tham mưu cho Bộ ra chính sách quản lý Uber, Grab quản lý đối tượng này đúng quy định, đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, chống thất thu thuế, đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng loại hình này.
“Một năm Uber, Grab báo lỗ cả nghìn tỷ đồng, tại sao lỗ? Do trốn thuế, hay để cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống, giảm giá tối đa để "giết' các ông taxi truyền thống? Cạnh tranh thế có bình đẳng không?” - Bộ trưởng Thể nói.
Theo thống kê, hiện nay số lượng xe hoạt động kiểu Uber, Grab trên toàn quốc đã lên tới hơn 50.000 chiếc, riêng tại Hà Nội xe dưới 9 chỗ là hơn 25.000 chiếc. Các Hiệp hội taxi truyền thống đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng cho dừng khẩn cấp các loại xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber, cùng đó “tố” các doanh nghiệp này dùng tiền để “mua” khách khiến các hãng taxi truyền thống “khốn đốn”.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết Quyết định 24/QĐ-BGTVT thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó có Uber và Grab, Bộ GTVT cho rằng chuyện hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý Uber, Grab như “xây nhà tầng, đóng kín cửa thì gió không bao giờ vào được”.
Bộ GTVT khẳng định, những lợi ích không thể bàn cãi khi Uber, Grab xuất hiện tại Việt Nam, nhưng cũng cần hoàn thiện công tác quản lý sao cho chặt chẽ, rõ ràng, công bằng. Hiện tại ranh giới đang không rõ ràng, điều kiện đặt ra không phù hợp, có thể vận dụng được nhưng cũng có thể lách được.
Được biết, hiện Bộ GTVT đang hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT khẳng định, trong Nghị định 86 sửa đổi cần thể hiện rõ chủ thể kinh doanh, chủ thể cung cấp công nghệ, càng rõ bao nhiêu, càng thực hiện dễ bấy nhiêu. Thậm chí, có thể yêu cầu có doanh nghiệp, có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, không để hợp đồng xuyên biên giới, phải có quy định rõ ràng”.
Châu Như Quỳnh (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.