"Bộ trưởng GTVT chưa phân biệt giấy phép và điều kiện điều khiển phương tiện"

Huyền Anh Thứ năm, ngày 07/03/2019 14:58 PM (GMT+7)
Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch Trần Tuấn Anh cho rằng đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT trái thực tế và xâm phạm quyền và lợi ích của người đã có bằng lái xe nhưng vô tình làm mất. Ngoài ra, mất bằng lái xe phải thi lại còn làm tăng chi phí của người dân và ngân sách.
Bình luận 0

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất quy định "làm mất bằng lái xe phải thi lại" nhằm tránh tình trạng một số trường hợp lợi dụng việc cấp lại bằng lái để "xin thêm".

 img

 Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Ngọc Duy.

Liên quan đến vấn đề nay, Góc nhìn chuyên gia Dân Việt đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty luật Minh Bạch về vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về đề xuất quy định "làm mất bằng lái xe phải thi lại" nhằm tránh tình trạng một số trường hợp lợi dụng việc cấp lại bằng lái để "xin thêm" của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể?

img 

Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty luật Minh Bạch

- Trong thời gian vừa qua, có nhiều bất cập liên quan đến thi sát hạch và cấp bằng lái xe. Chắc chắn cơ quan chức năng cũng đã phát hiện ra khá nhiều trường hợp lách luật trong việc báo mất bằng lái xe để có thêm một hay nhiều bằng lái khác để “phòng thân” nhằm tránh việc bị tước bằng…

Xuất phát từ đấy nên Bộ trưởng GTVT có đề xuất là làm mất bằng lái xe phải thi lại", tránh trường hợp có gian lận trong việc bị xử phạt. Bởi nếu người điều khiển phương tiện “lách luật” thì hiệu quả xử phạt vi phạm sẽ không được phát huy.

Chính vì vậy, mong muốn của Bộ trưởng GTVT là mong muốn hết sức chính đáng. Thế nhưng, đề xuất này lại không phù hợp quy đinh pháp luật và trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Cụ thể ở đây là những người đã đỗ trong cuộc thi sát hạch và đã được cấp bằng nhưng không may làm mất.

Trong trường hợp này, có thể Bộ trưởng GTVT chưa phân biệt được giữa việc giấy phép lái xe và điều kiện điều khiển phương tiện của người dân.

Giấy phép lái xe cho người thi gần như là 1 danh chỉ bảng ghi nhận việc người này đã trải qua kỳ sát hạch và đủ điều kiện để điều khiển giao thông đường bộ. Việc mất bằng lái xe không làm mất đi quyền điều khiển phương tiện giao thống của họ. Sự thật hiển nhiên là, người đó vẫn đủ điều kiện điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Nếu theo quy định của luật, đến nay không có quy định pháp luật nào cho rằng, 1 cá nhân hay 1 công dân khi làm mất đi một giấy tờ ghi nhận quyền của mình như giấy đăng ký kết hôn, thẻ căn cước công dân hay bằng tốt nghiệp… mà lại phải tiếp tục thực hiện 1 quá trình học lại để thi lại rồi mới được cấp lại giấy tờ pháp lý ấy.

Rõ ràng đề xuất của đồng chí Thể là không phù hợp pháp luật, không phù hợp thực tế và xâm phạm quyền lợi ích của người dân. Chả nhẽ, mất bằng tốt nghiệp phổ thông hay đại học cũng phải học lại mấy năm để lấy lại???

Nếu ý kiến của Bộ trưởng GTVT triển khai thì phải thể chế hóa thành 1 văn bản quy phạm pháp luật. Tôi tin chăc rằng, ý kiến trái pháp luật, trái cả thực tế như vậy thì không thể được Chính phủ thông qua dưới dạng nghị đinh hay Quốc hội thông qua dưới dạng văn bản luật để có thể triển khai được trên cả nước.

Vậy nếu xét về góc độ kinh tế, đề xuất này của Bộ trưởng GTVT có phù hợp không, thưa ông?

img 

- Tôi phải nói luôn rằng, quy định này nếu thực thi sẽ làm gia tăng, tổn thất cho người dân, xã hội.

Theo quan điểm của tôi, thì không có định nghĩa nào cho việc mất bằng lái xe. Thế nhưng, chúng ta thấy mất giấy tờ là việc vô thức của người dân. Trong trường hợp này là người dân vô tình gây nên tình trạng mất tài sản của mình, mất giấy tờ của mình. Chính vì thế, không thể đồng nhất việc mất với cố tình báo mất để nhằm cố tình che đậy, cố tình gian lận.

Việc đánh vào hành vi vô thức của người dân, sau đấy yêu cầu người dân đi học lại để thi lại nó sẽ làm tăng chi phí rất nhiều cho người dân, những người không may làm mất giấy tờ. Hơn thế nữa, nó sẽ là gánh nặng về chi phí cho nhà nước. Sát hạch lái xe đâu phải có chi phí của người học, người thi mà nó còn là chi phí của xã hội, của ngân sách nữa.

Vậy biện pháp ở đây là gì, thưa ông?

- Để hạn chế trường hợp gian lận trong vấn đề thi cử hay gian lận trong quá trình tham gia giao thông thì theo tôi nó phải làm từ gốc. Tức là phải đồng bộ cơ sở dữ liệu của những người tham gia giao thông.

Ví dụ như khi anh bị xử phạt tại 1 địa phương nào đấy, cơ sở dữ liệu sẽ truyền về trung tâm và trung tâm sẽ xử lý dữ liệu đấy.

Tôi lấy đơn cử, một ông lái xe A vi phạm giao thông, bị tước bằng lãi xe 2 tháng chẳng hạn. Ngay lập tức, kể cả không cần thu bằng đó nhưng ông A sẽ không được điều khiển phương tiện trong vòng 2 tháng. Nếu trong khoảng thời gian này, ông A vẫn điều khiển và bị phát hiện thì sẽ tăng nặng hình phạt hoạc tước bằng vĩnh viễn.

Ở Việt Nam, cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ. Dẫn tới câu chuyện tước bằng “thủ công”. Nghĩa là, có thể ông này bị bắt ở công an Hoàng Mai, công an Hoàng Mai giữ bằng lái 2 tháng. Nhưng họ có hộ khẩu Long Biên, họ về Long Biên làm cái xác nhật mất để được cấp lại. Như vậy, rõ ràng lỗ hổng ở chỗ đấy.

Tôi phải nhấn mạnh lại, lỗi do cơ sở dữ liệu của Việt Nam chưa đồng bộ, chứ không phải lỗi ở bằng lái xe hay lỗi ở việc mất bằng.

Chúng ta nên đồng bộ cơ sở dữ liệu, quản lý công dân hay quản lý lái xe. Điều này sẽ hiệu quả hơn là cái đề xuất không hợp lý và bất khả thi về mặt thực tế của Bộ trưởng Thể.

Cũng liên quan đến việc thi và cấp bằng lái xe, hiện nay nhiều người cho rằng, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng “bao thi – bao đỗ” trong vấn đề này đang hiện hữu. Liệu “siết chặt việc đào tạo, cấp bằng lái xe” có giải quyết được vấn đề này hay không?

- Chúng ta đang có sự buông lỏng trong quản lý. Chúng ta chưa có cách quản lý đúng đắn trong việc thi sát hạch lái xe ngày từ khâu nộp hồ sơ, học và thi. Chúng ta chưa có cách quản lý đúng đắn chứ không phải do chúng ta không chặt chẽ trong hệ thống quy định.

Nếu chúng ta thực hiện theo quy định người sát hạch lái xe phải có đầy đủ sức khỏe, nộp tại đơn vị được quyền đào tạo lái xe, học lý thuyết và thực hành kết hợp đi thực tế ngoài đường trong vòng 3 tháng cùng thầy, sau cùng thi sát hạch. Đặc biệt, công tác thi sát hạch phải được giám sát bởi camera 1 cách nghiêm túc, minh bạch thì tôi đảm bảo ra đường ai cũng lái tốt cả.

Thế nhưng, ở đây vấn đề là con người. Những con người thực thi giám sát ấy chưa hoàn chỉnh, nó đang làm sai đi chứ không phải bản thân quy định pháp luật đang vấn đề.

Việc tăng cường công chuyện giám sát trong thi cử hay siết chặt thi sát hạch là quan trọng vô cùng. Đầu tiên là con người, tuyển chọn kỹ những con người có tính quyết định tới kết quả nộp hồ sơ, học và thi sát hạch lái xe. Bản chất của vấn đề nào cũng xuất phát từ con người.

Nếu chúng ta không làm tốt công tác cán bộ thì có đẻ ra hàng trăm quy định nữa hay kéo dài học lái xe ra 2 năm thì gian lận vẫn có và tham nhũng trong vấn đề này vẫn còn.

Chúng ta không cần thêm gì, chỉ cần kiện toàn con người của chúng ta thôi là tốt lắm cho xã hội rồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem